Phát triển thị trường thị trường trái phiếu chính phủ ‘xứng tầm’

Sự phát triển ấn tượng của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam 10 năm qua là không thể phủ nhận, tuy nhiên, cần có thêm nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ hơn nữa để thị trường này phát triển tương đương với các thị trường trái phiếu mới nổi khác trên thế giới.
Trao thưởng cho các tập thể và cá nhân có đóng góp vào sự phát triển của thị trường TPCP giai đoạn 2009 – 2019.

Ngày 10/12/2019, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm hoạt động và phát triển thị trường TPCP.

Phát triển tích cực trên nhiều góc độ

Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng – Bộ Tài chính cho biết, trong 10 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, các thành viên của thị trường trái phiếu, cùng với sự phối hợp của các bộ, ngành, sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế, thị trường TPCP Việt Nam đã đạt được các kết quả nổi bật.

 Đến hết tháng 11/2019, quy mô thị trường TPCP bằng 25,1% GDP năm 2019, gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009 bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết. Thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.

“Sau 10 năm hoạt động, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã có sự phát triển cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Hoạt động của thị trường TPCP đã được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế từ khâu công bố kế hoạch phát hành, sản phẩm hàng hóa, phương thức và quy trình phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch trên thị trường thứ cấp” – bà Phan Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị ông Alwaleed Alatabani - Chuyên gia trưởng Tài chính, Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá, thị trường TPCP Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Quy mô và thị phần ngày càng lớn của thị trường TPCP trong nước đã phản ánh cơ cấu lành mạnh của danh mục nợ Chính phủ. Kỳ hạn bình quân của TPCP từng bước được kéo dài, tạo điều kiện để mở rộng đường cong lợi suất lên đến 30 năm. Đấu thầu được thực hiện định kỳ, trong đó ngày đấu thầu được công bố cho cả năm. Nhờ có sự cải thiện ở thị trường sơ cấp và quy mô ngày càng lớn của thị trường thứ cấp, thanh khoản cũng được cải thiện với giao dịch ngày nay lớn hơn gấp 6 lần so với 5 năm trước đây.

Bà Dương Thị Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ, thời gian qua, chính sách tiền tệ và tài khóa đã có sự phối hợp tích cực, đồng bộ. Sự phối hợp đồng bộ vừa giúp thị trường trái phiếu vừa giúp thị trường tiền tệ phát triển hiệu quả. “Tôi rất tin tưởng trong thời gian tới, sự phối hợp này ngày càng được củng cố hơn nữa” – bà Bình nói.

Ông Phạm Phú Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng cho rằng, qua 10 năm, lãi suất huy động vốn trên thị trường TPCP đã giảm đáng kể, giúp tiết kiệm cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng tiền trả lãi và hỗ trợ tích cực trong điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Lãi suất huy động vốn trung bình đã giảm từ 4 đến 6%/năm trên tất cả các kỳ hạn.

“Ngược chiều giảm lãi suất, kỳ hạn của các trái phiếu ngày càng tăng. Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công các TPCP với kỳ hạn lên tới 30 năm. Nhờ sự đa dạng kỳ hạn, NĐT có nhiều lựa chọn hơn trên thị trường này và ở góc độ quản lý điều này cũng giúp giảm áp lực trả nợ trong thời gian ngắn và làm tăng hiệu quả cho đầu tư phát triển của toàn xã hội. Trên thị trường thứ cấp, giao dịch TPCP không ngừng tăng về quy mô và độ sâu” – ông Khôi cho hay.

Phát triển TPCP thành thị trường nền tảng

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, trong bối cảnh nhu cầu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tiếp tục ở mức cao, nguồn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giảm, mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường TPCP để làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; đồng thời, trở thành công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả, có tính thanh khoản cao cho các NHTM, hệ thống bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và NĐT nước ngoài. Do vậy, để đạt được mục tiêu đó, cần tiếp tục thực hiện Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030 và Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, với thị trường sơ cấp sẽ gắn kết giữa công tác huy động vốn TPCP với điều hành NSNN và quản lý ngân quỹ; xác định cụ thể khối lượng huy động vốn hàng năm, công bố công khai lịch biểu, khối lượng, kỳ hạn phát hành chi tiết theo hàng quý để NĐT chủ động bố trí nguồn vốn tham gia. Thực hiện nhịp nhàng việc phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ thông qua các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi để vừa phát triển thị trường TPCP vừa cơ cấu lại nợ công theo hướng an toàn, bền vững. Phát triển đa dạng các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường để đáp ứng nhu cầu của các NĐT, bao gồm cả sản phẩm TPCP xanh.

Còn trên thị trường thứ cấp, sẽ tiếp tục cải tiến mô hình tổ chức thị trường và hệ thống giao dịch, rút ngắn hơn nữa quy trình từ khâu phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch và thanh toán trái phiếu phù hợp với định hướng phát triển công nghệ 4.0 để tăng thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Cùng với đó, đưa vào vận hành hệ thống nhà tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp theo thông lệ quốc tế để tăng thanh khoản của thị trường.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển đa dạng hệ thống NĐT trên thị trường TPCP, ưu tiên phát triển NĐT dài hạn. “Rà soát cơ chế, chính sách để phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện; đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng ngày càng chuyên nghiệp. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2021 đưa TPCP Việt Nam vào các rổ chỉ số trái phiếu quốc tế, để thu hút các quỹ đầu tư và NĐT nước ngoài đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam” – bà Phan Thị Thu Hiền thông tin thêm.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị

Theo ông Alwaleed Alatabani, trong thời gian tới, thị trường TPCP Việt Nam cần mở rộng mạng lưới các NĐT; củng cố danh mục TPCP và cải thiện hoạt động của thị trường. Tất cả những điều đó nếu làm tốt sẽ giúp thị trường TPCP Việt Nam tương đương với các thị trường mới nổi khác, thu hút nhiều hơn NĐT cả trong nước và quốc tế tham gia.

“Ngân hàng Thế giới cam kết tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong công cuộc phát triển thị trường vốn vững mạnh và hiệu quả để phục vụ lộ trình tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng của quốc gia trong những thập kỷ tới” - Alwaleed Alatabani nói.

Bàn về giải pháp trên thị trường thứ cấp, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho hay: “Cần tập trung nhiều vào “người chơi”, theo hướng làm thế nào để ngày càng có nhiều “người chơi chất lượng” và họ thực sự “muốn chơi””.

“Về mặt giải pháp, Bộ Tài chính đã và đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường TPCP phát triển mạnh hơn nữa. Tôi đồng thuận với các giải pháp này và đặc biệt là nhóm giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở NĐT tham gia thị trường, bao gồm cả NĐT trong nước và ngoài nước” – ông Dũng nói.

Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng giám đốc, Kho bạc Nhà nước cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo công tác huy động vốn hiệu quả, phù hợp nhu cầu của NSNN; hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường TPCP: phát hành mã trái phiếu chuẩn nhằm tăng thanh khoản thị trường và làm tham chiếu cho các sản phẩm tài chính khác; thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ trong nước thông qua hoán đổi/mua lại TPCP để giảm rủi ro thanh khoản cho NSNN, giãn nghĩa vụ trả nợ của ngân sách trung ương; nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm mới theo lộ trình phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của NĐT: trái phiếu xanh, trái phiếu có lãi suất thả nổi, ...”.

Ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng cho biết, với vai trò là tổ chức hạ tầng không thể thiếu của thị trường, 10 năm qua, VSD đã tích cực tham gia xây dựng các bản pháp lý về thị trường TPCP và xây dựng các quy chế, quy trình nghiệp vụ hướng dẫn hoạt động sau giao dịch cho TPCP. Tiếp nối những kết quả đạt được, thời gian tới, VSD sẽ tiếp tục cải tiến hơn nữa hệ thống công nghệ hiện đại cho phép đẩy nhanh quy trình đăng ký, lưu ký TPCP; kết nối hệ thống điện tử giữa VSD và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nguyễn Như Quỳnh – Phó Tổng giám đốc phụ trách Sở GDCK Hà Nội (HNX) cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, HNX sẽ tiếp tục hoàn thiện tổ chức thị trường, hướng tới một hệ thống với hạ tầng công nghệ hiện đại; hoàn thiện các sản phẩm mới, phát triển thị trường bán buôn và từng bước tiếp cận NĐT nước ngoài.

“Để triển khai các hoạt động hỗ trợ thị trường TPCP theo đề án của Chính phủ, HNX đã xây dựng Đề án “Tổ chức thị trường trái phiếu” tại HNX; hoàn thiện và xây dựng Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện và ban hành Quy chế giao dịch TPCP, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương” – ông Quỳnh chia sẻ thêm./.