Phát triển Kinh tế Tuần hoàn cho tương lai không rác thải-Bài học từ tập đoàn 108 tuổi SCG

Bùng nổ dân số cùng với mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng tài nguyên lên cao, dẫn đến hàng loạt các cuộc khủng hoảng và mối lo ngại về nguy cơ cạn kiện tất cả các nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Là doanh nghiệp bền vững hàng đầu Đông Nam Á, tập đoàn SCG đã đi đầu trong việc xúc tiến mô hình kinh tế tuần hoàn bên trong tổ chức, đồng thời kết nối các bên liên quan để giải quyết những vấn đề môi trường nóng bỏng, hướng tới tương lai bền vững

Mô hình Kinh tế Tuần hoàn – lời giải đáp cho tương lai

Trong vòng hơn một thập kỷ qua, thế giới lần lượt chứng kiến hàng loạt các hiện tượng cực đoan về thời tiết như các cơn bão lớn, các đám cháy rừng, hạn hán, bệnh dịch….Theo dữ liệu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố đầu tháng 12 năm 2019, thập kỷ 2010 là thập kỷ nóng nhất của Trái đất kể từ khi nhiệt độ bắt đầu được thu thập vào thế kỷ 19[Office1] . Biến đổi khí hậu cùng với hiện tượng rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn của không chỉ riêng quốc gia nào. Tính trên toàn cầu, mỗi năm có tới 300 tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của cả nước lên tới gần 15 triệu tấn, trong đó riêng rác thải nhựa thải ra biển là 1,8 triệu tấn/năm, đưa Việt Nam nằm trong danh sách 05 quốc gia hàng đầu thế giới về rác thải đại dương

Trước thực trạng đó, mô hình Kinh tế Tuần hoàn được coi là cứu cánh cho tương lai, nhờ sử dụng phương thức tái tạo, qua đó thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng và lối sống, dẫn tới giảm nhanh lượng tài nguyên tiêu thụ, tăng khả năng tái chế và tái sử dụng.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tập đoàn SCG cho biết: “Với tốc độ gia tăng chưa từng thấy, dân số thế giới dự kiến sẽ chạm mốc 9,7 tỷ người vào năm 2050, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng vọt bất kể nguồn lực hữu hạn. Nếu thiếu các biện pháp quản lý và xử lý chất thải thích hợp, chất thải sẽ rò rỉ ra các đại dương, gây suy giảm đa dạng sinh học môi trường biển, điều gần đây đã được báo động bằng cái chết của bò biển con Mariam. Định hướng Kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp giúp giảm nhẹ những vấn đề này với mô hình “sản xuất-sử dụng-quay vòng”. Định hướng này cũng bao gồm các phương pháp tối ưu hóa tài nguyên, phân loại chất thải và xử lý thích hợp để bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ tương lai.”

Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất phải cam kết thực hiện những hoạt động thân thiện với môi trường bao gồm: phát triển đổi mới công nghệ, thiết kế vật liệu, sản phẩm và dịch vụ, và mô hình kinh doanh, bên cạnh tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên nhằm giảm lượng chất thải, tăng cường tác động tích cực đến môi trường bằng việc tối ưu hóa tài nguyên. Mô hình này cũng bao gồm việc tăng cường hiệu quả quản lý chất thải để giữ tài nguyên trong vòng tuần hoàn.

 

Chiến lược của tập đoàn SCG trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn

Là tập đoàn công nghiệp có lịch sử 108 năm hoạt động tại Thái Lan và các quốc gia khu vực ASEAN, SCG đã kết hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào kinh doanh từ nhiều năm qua.

Tập đoàn tập trung vào 03 chiến lược chính đó là:

1.     Giảm sử dụng vật liệu và tăng độ bền vật liệu bằng cách hạn chế sử dụng tài nguyên trong sản xuất và phát triển các sản phẩm với thời gian sử dụng dài hơn, ví dụ, bao bì gợn sóng với vẻ ngoài bắt mắt, bền nhưng tiêu tốn ít giấy hơn;

2.     Nâng cấp và Thay thế bằng cách đổi mới công nghệ để thay thế các sản phẩm và nguyên liệu thô hiện tại bằng các giải pháp hiệu quả hơn, giúp giảm thiểu tiêu thụ nguyên liệu hoặc làm cho sản phẩm dễ dàng tái chế hơn. Điển hình là tập đoàn đã phát triển vật liệu xây dựng không sản sinh chất thải như nhà vệ sinh dạng mô đun, tấm tường đúc sẵn, tấm bê tông khí chưng áp linh hoạt, bao bì thực phẩm Fest thay thế thùng xốp, và bao bì linh hoạt độ bền cao và dễ dàng tái chế; và

3.     Tái sử dụng và Tái chế bằng cách tăng cường khả năng tái chế của vật liệu, ví dụ: phát triển sản phẩm với dây chuyền sản xuất sử dụng tỷ lệ vật liệu tái chế cao hơn, hợp tác với các siêu thị và cửa hàng bán lẻ hiện đại để thu thập các hộp giấy và giấy đã qua sử dụng để tái chế, và phát triển công thức nhựa với tỷ lệ nhựa tái chế cao hơn.

Bao bì thực phẩm Fest được làm từ bột giấy nguyên chất, giúp giảm thiểu việc sử dụng những nguyên liệu không thể tiêu hủy như nhựa và xốp

Trong năm 2018, SCG đã chuyển đổi khoảng 313.000 tấn chất thải công nghiệp mỗi năm thành nguyên liệu thô tái tạo và biến 131.000 tấn chất thải công nghiệp mỗi năm thành nhiên liệu thay thế. Năm 2019, SCG đã và đang tiếp tục tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào sản xuất sản phẩm và đặt mục tiêu giảm sản xuất nhựa sử dụng một lần từ 46% xuống 20% vào năm 2025 và tăng tỷ lệ nhựa tái chế, tái sử dụng và phân hủy sinh học lên 100% đến năm 2025.

Nỗ lực phối hợp các bên trong mô hình kinh tế tuần hoàn

Không chỉ dừng lại ở việc áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào vận hành kinh doanh, SCG còn nỗ lực kết nối các bên liên quan để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trên quy mô quốc gia và khu vực. Điển hình là chuỗi Hội nghị Chuyên đề phát triển bền vững diễn ra ở Thái Lan liên tiếp trong 10 năm, với vai trò là diễn đàn để các bên công – tư gặp gỡ và trao đổi ý tưởng, tiến tới hợp tác trên nhiều lĩnh vực của Kinh tế Tuần hoàn.

Hội nghị chuyên đề Phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Nền kinh tế tuần hoàn: Hợp tác cùng hành động”

Tại Việt Nam, SCG là một trong những hội viên tích cực của Hội đồng Doanh nghiệp Phát triển Bền vững (VBCSD), đồng thời tiên phong trong việc đưa mô hình kinh tế tuần hoàn vào thực tế tại Việt Nam qua Biên bản ghi nhớ Hợp tác Công – Tư (PPC) với Dow Việt Nam, Unilever Việt Nam và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường về ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.

SCG chung tay cùng Dow Việt Nam, Unilever Việt Nam và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường trong vấn đề quản lý rác thải nhựa

Những thành quả ban đầu của tập đoàn SCG sau nhiều năm vận động và xúc tiến cho hướng phát triển Kinh tế Tuần hoàn đã là minh chứng đáng khích lệ, và là hình mẫu để nhiều doanh nghiệp khác trong cùng ngành học tập và ứng dụng và mô hình hoạt động của mình. Trên hết, việc tích hợp Trách nhiệm Xã hội trong hoạt động kinh doanh không những mang lại lợi thế cạnh tranh đi đầu cho doanh nghiệp, mà còn lan toả giá trị tốt đẹp, bền vững cho cộng đồng và hành tinh chúng ta đang sống.

Tập đoàn SCG có trụ sở chính tại Bangkok, Thái Lan hiện là doanh nghiệp bền vững hàng đầu ASEAN, hoạt động trong 03 ngành công nghiệp chính là Xi măng – Vật liệu xây dựng, Bao bì và Hoá dầu. SCG có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, hiện tập đoàn có 21 công ty thành viên và 8,500 nhân viên trên cả nước.