Phát huy đội ngũ doanh nhân trong doanh nghiệp nhà nước

TP - Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, ông Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương - đã dành cho PV Tiền Phong cuộc trao đổi xoay quanh các giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Đảng trong các doanh nghiệp, ngân hàng, Tập đoàn Nhà nước...

Ông Nguyễn Long Hải cho biết: Trong năm 2022 và 2023, Đảng ủy Khối tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện việc sắp xếp mô hình tổ chức đảng; nhận tổ chức đảng, đảng viên từ trực thuộc cấp ủy địa phương về trực thuộc đảng ủy doanh nghiệp theo Quy định số 60-QĐ/TW của Ban Bí thư. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, Nghị quyết cụ thể nhằm củng cố và phát huy vai trò của Đảng...

Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm việc với lãnh đạo Đảng Ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ngày 30/07/2024

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng ủy Khối tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng, cấp uỷ đảng. Trong đó, thống nhất nhận thức và thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng tại cơ sở, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc. Tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc. Đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, với phương châm “đúng vai, thuộc bài”.

Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; phải xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ của từng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi.

Tôn vinh đảng viên tiêu biểu tại Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam chiều 4/10/2024

- Theo ông, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng, Tập đoàn Nhà nước?

Qua phân tích sâu về từng đảng bộ cơ sở có thể thấy vai trò của Đảng tại đây được nâng lên, thực sự thúc đẩy sự đoàn kết, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Tôi xin nêu một số ví dụ: Từ năm 2020 đến năm 2023: Tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty trong khối đều có sự tăng trưởng, từ 1.426.134 tỷ đồng lên 2.026.810 tỷ đồng (tăng 42,1%); lợi nhuận trước thuế của các đơn vị trong Khối từ 123.275 tỷ đồng lên 198.367 tỷ đồng (tăng 61%); nộp ngân sách các đơn vị trong Khối từ 220.374 tỷ đồng lên 242.770 tỷ đồng (tăng 10%). 9 tháng đầu năm 2024, Tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong Khối ước đạt 1,66 triệu tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế của các đơn vị trong Khối ước đạt 178 nghìn tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023...

Đã xuất hiện rất nhiều mô hình hay, cách làm mới trong hoạt động của tổ chức đảng tại cơ sở. Nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng đã thực sự tạo ra chuyển động sâu sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp...

- Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh và sâu sắc đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Ông có thể phân tích rõ hơn về tác động này?

Theo tôi, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), nhất là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, với những đột phá trên nhiều lĩnh vực, tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Khác với các cuộc cách mạng trước đây, CMCN 4.0 tạo thách thức lớn, nhất là nguy cơ tụt hậu sâu, nhưng cũng đem lại khả năng bứt phá do tốc độ và tác động vượt trội.

Quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra ngày càng nhanh, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, y học, năng lượng, sinh học và môi trường. Cạnh tranh công nghệ sẽ trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng trong cạnh tranh nước lớn, và là cơ hội cho các nước nhỏ hơn giành được lợi thế, phát triển kinh tế và gia tăng ảnh hưởng chính trị ngoại giao.

Đảng bộ Khối có 38 đảng bộ trực thuộc gồm: 36 đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước; Đảng bộ Cơ quan Đảng uỷ Khối và Đảng bộ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với tổng số 143.138 đảng viên.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở năng suất lao động, hàm lượng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực của doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng cho những sản phẩm chính, cốt lõi của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong Khối doanh nghiệp Trung ương đã có một số đơn vị đạt được kết quả bước đầu trong việc xây dựng triển khai chiến lược chuyển đổi số, tiêu biểu như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam,…

- Thưa ông, thời gian tới, Đảng ủy Khối và cơ quan chức năng làm gì để thực sự tạo đà mới phát triển doanh nghiệp nhà nước?

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh phát triển mới, Nghị quyết 41-NQ/TW là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới tạo động lực để phát triển và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, cần thiết lập được cơ chế thích hợp để DNNN hoạt động theo hướng tạo ra giá trị cho nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu chung của chính phủ, của khu vực công. Phát triển, hình thành các DNNN có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột ở một số ngành và lĩnh vực chiến lược mà nước ta có lợi thế như: năng lượng, viễn thông, lương thực, lâm nghiệp, kết cấu hạ tầng đường sắt, vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải, logistics; hãng hàng không quốc gia, khai thác cảng hàng không, công nghiệp hoá chất, tài chính...

Củng cố, phát triển một số tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, thực hiện quyền tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế; gây dựng một số DNNN có vai trò “sếu đầu đàn”, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt DNNN trong việc hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng, chuỗi giá trị trong nước cũng như quốc tế. Nghiên cứu đưa ra một số cơ chế, chính sách riêng để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho DNNN đầu tư một số dự án quan trọng phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và tập trung nắm giữ, phát triển được các công nghệ cần thiết.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!