Chủ tịch HĐQT Vinalines-TS Dương Chí Dũng:

Phải nhìn ra biển xa

TP - Với mục tiêu phát triển các dự án cảng biển lớn, đội tàu hiện đại nhất nhì Đông Nam Á, đưa thẳng được hàng hoá Việt Nam tới bờ tây và đông nước Mỹ, phát triển kinh tế hướng ra biển. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, đầu tư hệ thống cảng biển quá tốn kém mà hiệu quả không cao.

PV Tiền Phong vừa hỏi chuyện Tiến sĩ Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) quanh vấn đề này.

Kết nối hệ thống cảng với các vùng kinh tế để vươn ra biển


Thưa TS, Vinalines cũng như Bộ GT-VT đang chủ trương xây nhiều cảng biển để phát triển mạnh ngành vận tải biển. Với dự án cảng biển như Nhơn Hội (Bình Định) có vốn đầu tư 500 tỷ đồng kết hợp với cảng Quy Nhơn thì tiến hành thế nào, tạo thuận lợi gì cho phát triển kinh tế ở đây?

Cảng Quy Nhơn trước đây thuộc Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GT-VT). Vừa qua, do nhu cầu phát triển và đầu tư, Thủ tướng đã có quyết định điều chuyển việc quản lý cảng này về Vinalines để chúng tôi quản lý đầu tư và khai thác.

Vinalines đang tiến hành đầu tư tiếp giai đoạn hai, làm sao để cảng tiếp nhận được tàu từ 3 đến 5 vạn tấn. Cảng Quy Nhơn cũng sẽ trở thành cảng quốc tế đặt tại vùng Nam Trung bộ, cửa ngõ vào các tỉnh Tây Nam bộ và Tây Nguyên.

TS Dương Chí Dũng

Đồng thời, Vinalines đang đẩy mạnh khảo sát thiết kế, ký thoả thuận với tỉnh Bình Định về xúc tiến đầu tư cảng Nhơn Hội (Bình Định) theo hướng quy hoạch, phát triển cảng nước sâu.

Trước đây, có một số nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư vào Nhơn Hội nhưng chưa tiến hành nên Vinalines sẽ phải rà soát lại quy hoạch; báo cáo Bộ GT-VT để điều chỉnh quy hoạch, định hình các tuyến luồng ở cảng Quy Nhơn để kết nối với cảng Nhơn Hội. Thiết lập được cái này sẽ tạo vị trí thuận lợi cho cảng Nhơn Hội.

Có thể nói, hàng hoá qua cảng Quy Nhơn hiện nay chủ yếu là hàng rời, hàng bách hoá tổng hợp; đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu từ Tây Nguyên cũng như vật tư thiết bị nhập khẩu phục vụ cho phát triển kinh tế vùng, nguyên vật liệu phục vụ phát triển nông nghiệp, chế biến.

Nhưng cảng Nhơn Hội trong tương lai, ngoài việc tăng cường năng lực bốc dỡ hàng bách hoá, hàng rời thì đây còn là khu vực bốc dỡ container để phục vụ phát triển kinh tế trong khu vực cũng như tại khu kinh tế Nhơn Hội.

Đầu tư cảng biển, 20 - 25 năm hoàn vốn

Vướng mắc để triển khai các dự án cảng biển ở Việt Nam cũng như tại dự án cảng Nhơn Hội này là gì, thưa TS?

Vướng mắc mà nhiều nhà đầu tư quan tâm khi đầu tư vào cảng là luồng vào Nhơn Hội cạn, nên đưa cảng Nhơn Hội thành cảng nước sâu thì phải đầu tư khoản kinh phí từ 300 đến 400 tỷ đồng để nạo vét luồng. Đặc biệt là luồng kết nối từ cảng Quy Nhơn sang cảng Nhơn Hội. Với nhiều cảng khác, đầu tư nạo vét luồng cũng rất lớn.

Thứ hai là hạ tầng đường bộ, vẫn còn một số tuyến đường bộ khả năng tiếp nhận lượng xe container vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng phải tiến hành đồng bộ thì mới hấp dẫn các nhà đầu tư.

Có nhiều ý kiến cho rằng, các cảng biển hiện đầu tư hiệu quả không cao, quan điểm của TS ra sao?

Chúng tôi đang quản lý hệ thống cảng gồm: Cái Lân, Hải Phòng, Sài Gòn; hệ thống các cảng thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các cảng thuộc tỉnh Cần Thơ; cảng Cái Cui; cảng Quy Nhơn; cảng Nha Trang.

Tất cả các cảng trọng điểm đó đều có hiệu quả kinh tế rõ nét thông qua hoạt động bốc xếp hàng hoá, thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu của đất nước.

Một cảng biển thông thường có thời gian hoàn vốn là bao nhiêu năm? Ví như cảng Nhơn Hội bây giờ đầu tư thì đến năm nào mới hoàn hết vốn?

Cụ thể với cảng Nhơn Hội thì nói thời gian hoàn vốn bây giờ là hơi sớm, chúng tôi sẽ có tính toán cụ thể, kỹ lưỡng hơn. Còn theo kinh nghiệm của chúng tôi, đầu tư cảng biển thời gian hoàn vốn là 20-25 năm.

Tràn lan cảng biển - Không hẳn vậy

Nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội, có không ít đại biểu từng thẳng thắn rằng chúng ta đang đầu tư xây dựng quá nhiều cảng biển,  tràn lan, lãng phí. Thực tế có như vậy không, thưa TS?

Nghe qua, thì có vẻ đúng, nhưng trong thực tế thì nhiều hay ít phụ thuộc vào liên kết khu vực để phát triển kinh tế. Quan trọng là phải xác định được tầm, kết nối phát triển cảng với các vùng, khu vực kinh tế, tạo sự gia tăng tốt, phát triển đa phương thức…

Như vậy là Vinalines vẫn tiếp tục phát triển cảng biển với mục tiêu liên kết vùng, khu vực, qua đó khẳng định hiệu quả kinh tế?

Chiến lược của chúng tôi nhằm mục tiêu này. Vinalines phát triển hệ thống cảng biển, đặc biệt là các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế. Mới đây, chúng tôi khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Đây là cảng quốc tế nằm trong chiến lược lâu dài của hàng hải Việt Nam. Bên cạnh đó, Vinalines còn phát triển các cảng cửa ngõ, cảng đầu mối.

Khu vực phía Bắc thì trọng tâm là phát triển cảng Hải Phòng vươn ra cảng Lạch Huyện, cảng cửa ngõ quốc tế tại đảo Cát Hải; hoàn thiện cảng Cái Lân. Với khu vực miền Trung, Vinalines tập trung hoàn thiện cảng Tiên Sa (Đà Nẵng).

Chúng tôi đang chuẩn bị khởi công cảng Sơn Trà để Đà Nẵng trở thành cửa ngõ phía tây của Việt Nam qua Nam Lào và Bắc Thái Lan.

Đấy là khu vực thứ hai. Khu vực thứ ba là phát triển toàn bộ hệ thống cảng khu vực Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, Vinalines đã liên doanh với Singapore, Mỹ và, mới đây, Vinalines đã mở các tuyến vận tải biển từ Việt Nam đi Mỹ mà không phải trung chuyển qua các cảng khu vực nữa.

Hàng container của Việt Nam sẽ được đưa trực tiếp đến bờ đông và tây của Mỹ. Đây là cái mới mà chúng tôi đã thực hiện.

Năm 2010, Vinalines sẽ đưa vào khai thác tiếp liên doanh với tổ chức hàng hải của Mỹ và Đan Mạch tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Chúng tôi đang triển khai xây dựng để, đầu năm 2011, sẽ đưa vào khai thác cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.

Đây là khu vực trọng điểm cửa ngõ phía Nam. Các tỉnh thuộc Khu vực Tây Nam Bộ thì chúng tôi đã đầu tư xây dựng cảng Cần Thơ thành cảng cửa ngõ các tỉnh Tây Nam Bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng này. Cảng Nhơn Hội thì là cửa ngõ của Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Năm 2015, Việt Nam nhất nhì khu vực

Có thể nói Vinalines phát triển hệ thống cảng biển là thực hiện nghị quyết T.Ư 4 về chiến lược biển được không? Để khẳng định vị thế kinh tế biển, chủ quyền biển, đội tàu của Vinalines sẽ phát triển theo hướng nào trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế, thưa TS?

Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của đại dương. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và mục tiêu phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết T.Ư 4 của Đảng là đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% GDP cả nước.

Theo thống kê của các tổ chức hàng hải, hơn 80% lượng hàng hoá vận tải trên thế giới và trên 90% lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ở Việt Nam là bằng đường biển.

Đối với ngành hàng hải trong thực hiện nghị quyết T.Ư 4 về chiến lược biển, chúng tôi xác định mũi nhọn về vận tải biển. Chính vì vậy, mà những năm qua, đặc biệt là từ năm 2006 đến nay, chúng tôi đang thực hiện kế hoạch đó.

Vinalines đang phát triển mạnh đội tàu vận tải biển quốc gia theo hướng trẻ hoá để làm sao, đến năm 2015, đội tàu vận tải biển của Việt Nam đứng vào vị trí nhất nhì đội tàu vận tải biển của khu vực Đông Nam Á.

Từ đó, đội tàu của Vinalines sẽ gia tăng cạnh tranh và phát triển, đảm bảo được thị phần vận tải biển không những trong nước mà cả quốc tế.  

Từ hệ thống cảng biển, đội tàu nói trên, chúng tôi phát triển hệ thống dịch vụ logistics. Trước đây hoạt động logistics của chúng ta manh mún và phân tán, nhỏ lẻ. Chúng tôi đã quy hoạch lại hoạt động này tại ba khu vực bắc, trung, nam.

Mục tiêu kết nối phía Bắc với các cửa ngõ Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái với các tỉnh tây nam Trung Quốc. Miền Trung thì kết nối với phía nam Lào, bắc Thái Lan để thu hút hàng hóa từ nam Lào, bắc Thái Lan ra biển qua cửa ngõ Đà Nẵng.

Khu vực Nam bộ thì kết nối toàn bộ các tỉnh Nam bộ với Campuchia thông qua hệ thống sông Mekong. Có thể nói là chúng ta kết nối hệ thống cảng với các vùng kinh tế để vươn ra biển.

Trên cơ sở đó phát triển các dịch vụ hỗ trợ hàng hải; phối hợp kết nối đầu tư song phương, đa phương với các tập đoàn đầu tư khai thác cảng cũng như các hãng vận tải biển lớn trên thế giới; qua đó, mở các dự án đầu tư không những ở Việt Nam mà còn ở cả nước ngoài; hướng đến các đối tác có quan hệ xuất nhập khẩu lớn để thu hút vốn đầu tư...

Quyền Thành
Thực hiện