Người tạo dựng Bamboo Airways
Đại hội bất thường được Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức ngày 9/5 nhằm thông qua phương án tăng vốn điều lệ.
Với đại đa số phiếu tán thành, đại hội đã chính thức thông qua phương án phát hành 1,15 tỷ cổ phần tăng vốn lên 30.000 tỷ đồng như kiến nghị của ông Lê Thái Sâm - một cổ đông lớn của hãng.
Ngoài các câu hỏi liên quan tới kế hoạch tăng vốn, trong phần thảo luận, một cổ đông đặt câu hỏi: Cổ đông sáng lập ra Bamboo Airways là những ai?
Trả lời, ông Nguyễn Ngọc Trọng - Chủ tịch Bamboo Airways - cho biết, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông sáng lập duy nhất của hãng hàng không này.
Hai người tiếp theo có vai trò quan trọng đồng hành những ngày đầu thành lập Bamboo Airways chính là bản thân ông Trọng và bà Vũ Đặng Hải Yến - Phó Chủ tịch HĐQT FLC.
Ông Trọng nhấn mạnh, cổ đông sáng lập duy nhất chỉ có ông Quyết, còn bản thân ông, bà Yến hay những người khác đều là “làm công ăn lương”.
Về cơ cấu sở hữu trước khi tăng vốn, phía đại diện Bamboo Airway cho biết ông Lê Thái Sâm đang nắm giữ 12,5%; FLC 21,7%; NCB 11%, còn lại cổ đông khác.
Tuy nhiên, theo thông tin phát đi từ cuối ngày hôm qua (8/5), FLC công bố nghị quyết chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần Bamboo Airways (BAV), tỷ lệ 21,7% vốn sang cho ông Sâm. Sau chuyển nhượng và tiến hành tăng vốn, cơ cấu sở hữu nêu trên sẽ thay đổi.
Bamboo Airways dự kiến thời điểm hết lỗ
Trả lời một câu hỏi khác của cổ đông về tình hình kinh doanh, ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways - cho biết, nếu không tính một số chi phí tài chính, kết quả quý I gần như đạt được điểm hòa vốn. “Dự kiến năm nay chúng tôi sẽ vẫn lỗ, kỳ vọng đạt được điểm hòa vốn vào năm 2024”, đại diện Bamboo Airways tiết lộ.
Phía Bamboo Airways thừa nhận hãng vừa trải qua giai đoạn khó khăn khi chi phí đầu vào biến động rất lớn. Trong đó, giá dầu có thời điểm trong năm 2022 lên 160 USD/thùng, tăng gấp đôi trước đó.
Ngoài ra, chi phí lãi vay rất căng thẳng, ông Hải cho hay, Bamboo Airways gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nhưng không có tài sản đảm bảo nào đem cầm cố. Tuy nhiên, được một số nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn, họ cho vay dù không có tài sản đảm bảo, đại diện hãng trao đổi với cổ đông. Bamboo Airways cần nhà đầu tư chiến lược, không phải chỉ mang tiền đến mà “đi đường dài cùng nhau”.
Trao đổi thêm với phóng viên bên lề đại hội, ông Nguyễn Ngọc Trọng - Chủ tịch Bamboo Airways - cho biết, nguồn lực hạn chế đang là "nút thắt" kìm hãm đà phát triển của nhiều doanh nghiệp sau hơn hai năm khánh kiệt vì dịch bệnh, Bamboo Airway không phải ngoại lệ. Song song với nhiều nghĩa vụ tín dụng đến hạn, là nhu cầu bức thiết về ngân sách để hiện thực hóa nhiều dự án mới.
“Trong thời điểm khó khăn nhất cách đây hơn một năm, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ nhà đầu tư mới, là một nhóm nhà đầu tư được ông Dương Công Minh cố vấn. Nếu không có nhà đầu tư mới, Bamboo Airways đã phải đối mặt trực diện với bài toán gai góc về sự tồn tại”, ông Trọng nói.
Cũng theo Chủ tịch Bamboo Airways, để giải quyết gánh nặng tài chính tích tụ trong giai đoạn COVID-19, tiến trình chuyển giao cần thời gian để tính toán kỹ lưỡng, nhằm bảo vệ lợi ích cho các bên liên quan.
“Tái cơ cấu không phải công tác tiến hành trong một hoặc hai năm rồi thôi. Chúng tôi xác định việc nâng cao hiệu quả của cả bộ máy là tiến trình dài hơi, liên tục, không có điểm dừng”, ông Trọng nhấn mạnh.
Ông Trọng nói thêm, với đội bay chỉ 30 tàu bay, doanh thu quý I của Bamboo Airways đã tăng vượt 53% so với kế hoạch, đưa hãng gần đạt điểm hoà vốn trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng, tỷ giá đồng USD biến động, thị trường chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh.
“Trước mắt, trong năm nay Bamboo Airways giảm lỗ về mức tối thiểu, hướng tới cân bằng thu chi năm 2024, và bắt đầu có lợi nhuận sau đó”, ông Trọng nói.