Cuối tuần qua, một số ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý II và tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm của ngân hàng mẹ. Sau 6 tháng, nhiều ngân hàng lớn không những bị giảm lợi nhuận mà còn tăng nợ xấu.
Trong số các nhà băng đã công bố báo cáo, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) giảm lợi nhuận nhiều nhất. 6 tháng, lãi sau thuế của Vietinbank chỉ đạt hơn 1.959 tỷ đồng - giảm tới gần 30% so với con số lãi gần 2.735 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Vietinbank cũng là ông lớn quốc doanh đầu tiên có tốc độ tăng trưởng tín dụng âm (âm 3,1%) sau nửa đầu năm 2012. Trước đó, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở nhóm cao nhất 17% một năm.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp cũng là tình cảnh chung của nhiều nhà băng trong nửa đầu năm nay. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng 2,96%, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sau 6 tháng đạt 2.155 tỷ đồng - giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở nhóm các ngân hàng cổ phần, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) cho biết lãi 6 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 1.392 tỷ đồng - giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhà băng này cũng vô cùng "lẹt đẹt" khi chỉ tăng trưởng 0,8%. Trao đổi với PV cách đây 2 tuần, Phó tổng giám đốc ACB ông Nguyễn Thanh Toại cũng thừa nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 không thể bằng năm trước.
Ngược lại, dù cũng tăng trưởng tín dụng chưa đến 1% nhưng Ngân hàng xuất nhập khẩu (Eximbank) lại là cái tên ít ỏi trong số các nhà băng lớn niêm yết tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay. Lãi sau thuế của Eximbank sau nửa đầu năm đạt 1.392 tỷ đồng (tăng gần 10%). Tính đến nay, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) tạm thời là nhà băng niêm yết có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất - gần 30% so với năm trước – với số lãi sau thuế đạt 1.391 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của MB cũng “ngược dòng” và khiến nhiều ông lớn phải ghen tỵ. Tính đến 30-6, dư nợ tín dụng của MB đạt 65.256 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cuối năm 2011.
Tín dụng tăng trưởng đều ở mức rất thấp nhưng các nhà băng lại phải trích lập dự phòng nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái. Điển hình là Vietcombank, khoản trích lập dự phòng tăng gấp đôi từ 1.088 tỷ lên hơn 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là tỷ trọng nợ xấu ngày một phình to trên bảng cân đối kế toán của các nhà băng.
Báo cáo tài chính riêng lẻ của một số "ông lớn" trong quý II cho thấy sự gia tăng chóng mặt của các khoản nợ có khả năng mất vốn. Tại Vietcombank, nợ xấu vọt lên 3,47% - áp sát tỷ lệ được lãnh đạo ngân hàng này ước đoán trước đó. Tại Hội nghị sơ kết toàn ngành 6 tháng đầu năm, chính Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh từng tiết lộ, nợ xấu của ngân hàng nếu phân tích nghiêm túc cũng phải gần 4%.
Số liệu tính đến ngày 30-6 còn cho biết nợ có thể mất vốn của Vietcombank đã tăng thêm hơn 1.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2012 lên gần 3.900 tỷ đồng. Tương tự, nợ có thể mất vốn - nợ nhóm 5, nhóm có nguy cơ rủi ro cao nhất - tại Vietinbank cũng tăng gần 1.400 tỷ, tăng gấp rưỡi cuối năm 2011. Sau 6 tháng, tổng nợ xấu của Vietinbank tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt, nhà băng có quy mô nhỏ nhất trong số các ngân hàng niêm yết, tỷ lệ nợ xấu đã leo từ 2,4% thời điểm đầu năm lên 3,87%. Tổng nợ xấu là 511 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên tới 231 tỷ đồng chiếm 45% tổng nợ xấu.
Trước đó, tại cuộc họp về vấn đề nợ xấu gần đây, Quyền Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa thừa nhận, tính đến hết tháng 3, có 117.700 tỷ đồng (tương đương 40% tổng nợ xấu) bị phân vào nhóm 5 (nhóm nợ xấu nguy cơ rủi ro cao nhất). Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước công bố, tổng nợ xấu của ngành ngân hàng hiện nay khoảng 202.000 tỷ đồng (chiếm 8,6% tổng dư nợ). Tuy nhiên, đó là những con số tính đến hết 31-3.
Bình luận về việc nợ xấu - đặc biệt là nợ nhóm 5 - của nhiều nhà băng lớn tăng vọt, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng con số nợ xấu của toàn hệ thống có lẽ sẽ vượt xa mức 8,6% mà Thanh tra Ngân hàng Nhà nước công bố. "Cuối tháng 3 đã là 8,6% thì đến hết tháng 6, khi nợ xấu của nhiều ngân hàng lớn phình to, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành chắc chắn trên 10%", ông Hiếu đưa ra ước tính.
Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính độc lập tại TP HCM (giấu tên) cho rằng không loại trừ khả năng các ngân hàng vẫn có cách nào đó che giấu bớt nợ xấu bởi theo ông, "nợ của các ngân hàng vẫn đẹp". Vị này còn cho rằng, mức trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của các nhà băng vẫn còn thấp - dù quý 2 năm nay chỉ tiêu này tại các ngân hàng đều tăng so với quý 1.
Theo Vnexpress