Nồng độ CO2 trong khí quyển đã vượt qua mức trung bình 410 ppm trong tháng 4 vừa qua, theo dữ liệu đo được từ Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dữ liệu trung bình tháng của đài quan sát vượt qua ngưỡng này, theo Independent.
Viện Hải dương học Scripps (Mỹ) chỉ ra rằng, trước cuộc cách mạng công nghiệp, nồng độ CO2 trong khí quyển chưa từng vượt quá 300 ppm trong 800.000 năm qua. Đường cong Keeling dùng để đo nồng độ khí carbon dioxide trong khí quyển cho thấy sự gia tăng của CO2 suốt nhiều thập kỷ.
Các nhà khoa học đã cảnh báo mức độ CO2 đang vượt qua ngưỡng có thể dẫn đến sự nóng lên toàn cầu vượt quá mức "an toàn", đồng thời thúc đẩy sự gia tăng mực nước biển.
Con người phát thải khí nhà kính CO2 từ các hoạt động như đốt nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ), sản xuất xi măng, chặt phá rừng. CO2 tồn tại trong khí quyển trong hàng chục nghìn năm, tham gia vào quá trình hấp thụ nhiệt từ bức xạ Mặt Trời và thúc đẩy biển đổi khí hậu.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, nồng độ CO2 trong khí quyển toàn cầu đã tăng lên 30% kể từ khi con người bắt đầu đo đạc, ghi chép dữ liệu về CO2 kể từ năm 1958. Phép đo đầu tiên ghi nhận nồng độ CO2 vào năm 1958 là 315 ppm. Nồng độ CO2 vượt quá 400 ppm lần đầu tiên năm 2013. Trước năm 1800, nồng độ CO2 trung bình trong khí quyển khoảng 280 ppm. Điều này thể hiện ảnh hưởng của khí thải nhân tạo kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.
Các nhà khoa học tin rằng, thế giới chưa bao giờ trải qua sự gia tăng nồng độ CO2 nhanh như vậy. Ralph Keeling, giám đốc chương trình CO2 tại Viện Hải dương học Scripps, cho biết nồng độ CO2 trong khí quyển đã tăng nhanh hơn trong thập kỷ vừa qua so với những năm 2000.
"Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu việc gia tăng nồng độ của khí CO2trong thời gian qua. Nó tiến gần hơn tới một số cột mốc mà chúng ta không thực sự muốn đạt được, chẳng hạn như vượt qua 450 ppm hoặc 500 ppm", Keeling nói.
Lần cuối cùng, nồng độ CO2 trong khí quyển Trái Đất đạt ngưỡng 400 ppm là khoảng 3 đến 5 triệu năm trước. "Trong thời gian đó, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn hai độ so với ngày nay. Các dải băng ở Greenland và phía tây Nam Cực tan chảy, thậm chí một phần băng ở phía đông Nam Cực thu hẹp, khiến mực nước biển dâng cao từ 10 - 20 m so với ngày nay", Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết.