Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, giá gạo xuất khẩu Việt Nam luôn thấp ngoài lý do không có bộ giống chất lượng cao, còn có quan ngại về những khuyết tật trong hệ thống phân phối và kinh doanh lúa gạo.
Ông Bích dẫn số liệu, từ giữa tháng 5/2008 trở về trước, gạo Thái Lan và Việt Nam chênh nhau không quá lớn, năm nào lớn thì cũng chỉ trên 10 phần trăm. Nhưng gần đây, khoảng chênh lệch này đã doãng ra.
Rõ ràng, không thể trong một thời gian ngắn mà chất lượng gạo Việt Nam đột ngột giảm. Vậy thì chỉ còn yếu tố kinh doanh. Có rất nhiều điều cần bóc tách để làm rõ. Mục tiêu trước mắt là làm sao kéo giá gạo Việt Nam trở lại gần với giá gạo Thái Lan.
Về thông tin một vài doanh nghiệp nhỏ bán phá giá, ông Bích khẳng định, điều này cũng ảnh hưởng đến giá chung, nhưng không thể là nguyên nhân chính. Những doanh nghiệp chỉ xuất khẩu vài chục nghìn tấn không dẫn dắt được thị trường.
Theo ông Bích, những Tổng Cty nhà nước xuất khẩu với khối lượng lớn, trong đó có những hợp đồng chính phủ, mới chi phối được giá của thị trường. Phải chăng, chính những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang bán gạo với giá rẻ dẫn đến mức giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam tụt xuống?
Ông Bích cũng đặt câu hỏi “Có phải các doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua lúa của nông dân với giá rẻ, cho nên mới bán gạo rẻ?” rồi đưa ra phân tích: Nếu DN mua lúa của nông dân giá cao thì phải bán gạo giá cao. Nguyên tắc kinh doanh là phải có lãi, doanh nghiệp chấp nhận xuất khẩu gạo giá thấp chứng tỏ họ mua được lúa của nông dân với giá rẻ.
Đây cũng là lý do khiến năm 2008, mức lợi nhuận của Tổng Cty Lương thực Miền Bắc và Tổng Cty Lương thực Miền Nam lên đến cả nghìn tỷ đồng. Cũng có thể kết luận nông dân Việt Nam đang bán lúa rẻ hơn so với nông dân Thái Lan.
Thua thiệt 500 triệu USD?
Chưa có một tính toán cụ thể nào về mức thua thiệt do doanh nghiệp Việt Nam bán gạo giá thấp. Năm 2008, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Cần Thơ đã ước tính, Việt Nam mất xấp xỉ nửa tỷ đô la do không nắm bắt được cơ hội vàng khi giá gạo thế giới sốt nóng. Điều đó chứng tỏ năng lực của những nhà buôn Việt Nam không tốt.
Vấn đề là, hiện nay chúng ta chưa có đủ số liệu để chứng minh, trong những thời điểm thị trường có biến động, doanh nghiệp nào bán được giá cao, doanh nghiệp nào bán giá rẻ.
Bên cạnh đó, phải làm rõ được, giữa các hợp đồng Chính phủ và các hợp đồng thương mại thì mới biết hợp đồng nào thương lượng được giá bán cao hơn. Khi đó, mới có giải pháp cho phù hợp và biện pháp khắc phục. Nếu không bóc tách được những số liệu này, thì mọi sự nhận định chỉ là võ đoán.
Tuy nhiên, điều mà những chuyên gia thương mại lo ngại là có tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu, đã lỡ ký hợp đồng xuất gạo với giá thấp nên phải ép giá lúa của nông dân xuống.