Nông dân đưa doanh nghiệp ra tòa vì thất hứa

TP - Bốn năm trước, Chính phủ đã có Quyết định 80 về ký hợp đồng bao tiêu nông phẩm, song thực tế mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nông vân chưa tìm được tiếng nói chung.

Vụ các nông dân kiện Cty Rau quả Tiền Giang ra tòa vì không bao tiêu nha đam lại thêm một bài học…

Hợp đồng có cũng như không

Cuối năm 2004, Cty Rau quả Tiền Giang ký hợp đồng với 13 hộ nông dân trồng 5 ha cây nha đam. Theo đó, Cty Rau quả Tiền Giang đầu tư gần 130 triệu đồng cung cấp cây giống (600 đồng/cây) và chi phí trồng 5 triệu đồng/ha (25.000 cây) cho 13 hộ dân.

Cty sẽ thu mua toàn bộ phần sản phẩm thu được với giá 1.000 đồng/kg, người dân hưởng 70%, còn lại 30% trừ chi phí ban đầu.

13 hộ dân phấn khởi dốc vốn liếng và công sức trồng nha đam, có người còn thuê đất để trồng. Tuy nhiên, sau một vài lần thu mua với số lượng không đáng kể, từ tháng 9/2005, Cty này không đến thu mua nữa. Kết quả là 5 ha nha đam đang mùa thu hoạch của 13 hộ dân “không biết làm gì”.

Các hộ dân thường xuyên đến đề nghị Cty thu mua nha đam nhưng không được đáp ứng. Ông Đỗ Văn Long-PGĐ Cty giải thích: “Do chưa tìm được đầu ra, nông dân cứ tiếp tục chăm sóc cây nha đam và... chờ Cty thu mua”.

13 hộ dân chờ thêm 6 tháng, nha đam vẫn bị bỏ ngoài ruộng, già, héo, kém chất lượng. Lúc này, đại diện Cty Rau quả Tiền Giang mới xuất hiện để ký với các hộ dân biên bản “xóa nợ” đầu tư ban đầu, coi như “huề”. 11 hộ diện tích nhỏ (tổng cộng có 3 ha) ký đại cho xong chuyện, dù bị mất khoảng 130 triệu đồng, chưa kể chi phí đầu tư.

Hai hộ trồng nhiều cây nha đam (mỗi người 1 ha) là ông Nguyễn Văn Hát và Nguyễn Văn Mịnh ngụ tại ấp Tân Lược 1 (xã Tân Lý Đông, Châu Thành) không đồng ý với cách giải quyết của Cty.

Hai ông nhẩm tính sơ sơ, mỗi người đã nợ ngân hàng và các đại lý phân bón hơn 30 triệu đồng. Chưa kể số vốn đầu tư ban đầu (khoảng 108 triệu đồng/hộ) cũng đang lụi tàn cùng cây nha đam.

Ra tòa

Tháng 4/2006, hai hộ nói trên nộp đơn khởi kiện lên TAND huyện Châu Thành yêu cầu Cty Rau quả Tiền Giang bồi thường thiệt hại theo hợp đồng.

Cụ thể, hai hộ yêu cầu bồi thường sản lượng nha đam mà Cty không thu mua trong vòng 6 tháng. Mỗi tháng 15 tấn, 6 tháng 90 tấn, thành tiền 90 triệu đồng.

Ngày 17/4, đại diện Cty mời 2 hộ lên UBND xã để “hòa giải” và đồng ý bồi thường 50% tức là khoảng 45 triệu đồng. Ngày 18/7, tại phiên hòa giải của TAND huyện Châu Thành, Cty hạ mức giá bồi thường xuống chỉ còn... 2 triệu đồng. Hai ông không chấp nhận và tiếp tục kiện.

Ông Nguyễn Văn Hải - đại diện của Cty Rau quả Tiền Giang - cho biết: “Sản phẩm nha đam của hai hộ dân đã mất chất lượng trầm trọng nên sau khi trừ chi phí đầu tư của Cty, bồi thường như vậy là hợp lý”.

Theo 2 hộ dân này, Cty khấu trừ chi phí  đầu tư ban đầu là vô lý. Bởi các ông cũng đã đầu tư không nhỏ. Phá bỏ hợp đồng là do Cty, nếu tính thẳng thừng thì Cty Rau quả Tiền Giang phải chịu toàn bộ thiệt hại và còn phải bồi thường cao hơn cho 2 ông. Không thể hòa giải nên hai bên chờ tòa phán quyết.

Hiện tại, hai ông Nguyễn Văn Hát và Nguyễn Văn Mịnh phải làm thuê làm mướn để sinh sống, gắng theo đuổi vụ kiện sau giấc mộng làm giàu từ cây nha đam.