Trong hội trường, cấp trên phát biểu xong, cấp dưới chạy lên mau mắn “xin tiếp thu sự chỉ đạo sâu sắc”. Nhưng ra ngoài hội trường, cấp dưới không còn nhớ gì lời phát biểu của cấp trên, thầm thì giải thích “cấp trên phát biểu thì phải đáp lễ thế thôi”.
Lập một dự án “vẽ hươu vẽ vượn” để cấp có thẩm quyền phê duyệt, khi được chấp thuận rồi là tìm cách “điều chỉnh” làm khác với cam kết ban đầu. Đấu thầu các công trình tiêu tiền ngân sách có tình trạng tương tự khiến các công trình khi thực hiện tăng vốn khủng khiếp.
Kế hoạch sản xuất của nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn long trọng đầu năm làm lễ giao nhận cũng “nói vậy mà không phải vậy”. Khi giao nhận, đặt ra những con số cao vòi vọi để mơn trớn lỗ tai của nhau, giữa năm viện đủ lý do xin điều chỉnh để cuối năm “hoàn thành vượt mức kế hoạch” vỗ tay hoan hô.
Thậm chí phát động phong trào thi đua ở một cơ quan, đơn vị cũng hay có “những con số phấn đấu”, nêu ra đã biết chắc không làm được song vẫn nêu ra và hứa hẹn rôm rả.
Trên một số diễn đàn long trọng lại có diễn giả luôn “mạnh mồm hứa”, bên cạnh một số người hay rao giảng những điều bản thân mình không tin và biết người khác cũng không tin nhưng vẫn rao giảng.
Đó là lối nói không thật lòng, nói trắng ra là nói dối. Trong vui đùa bỡn cợt, bên chén rượu chén trà có thể chấp nhận để tạo tiếng cười bông phèng cho thoải mái. Còn lại, cuộc sống không chấp nhận lối “nói vậy mà không phải vậy”, nhất là ở thời hội nhập làm ăn với bốn biển năm châu.
Trước hết, cách nói như thế nếu là người lãnh đạo sẽ làm mất phong cách lãnh đạo; nếu là công dân thì không nhắm đến nâng cao tư cách công dân. Bởi “nói vậy mà không phải vậy” ít tệ hại nhất cũng là cách nói hai lời gây khó chịu cho người nghe, trầm trọng hơn sinh ra thói quen dối trá.
Xã hội có nhiều người, nhiều nơi “nói vậy mà không phải vậy” sẽ làm mất niềm tin lẫn nhau. Khi nhiều người, nhiều nơi nói một đằng làm một nẻo, nói dối không còn biết ngượng miệng thì đạo đức xã hội đã đi xuống.
Theo đó, công bằng xã hội cũng bị sứt mẻ bởi đạo đức thực chất là một vấn đề công bằng. Cuối cùng, niềm tin và lẽ công bằng chính là vốn liếng của xã hội và là thứ vốn liếng lớn nhất, cũng với vốn tài chính, để đưa xã hội phát triển.