Nỗi niềm phía sau những vinh quang

TP - Huấn luyện viên đội tuyển nữ TPHCM Kim Chi nói rằng, cô rất lo lắng cho tương lai bóng đá nữ TPHCM. Cô cho biết: “Nếu ở ngoài Bắc có nhiều đội bóng nữ như ở Hà Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội thì ở trong Nam chỉ có TPHCM là có bóng đá nữ chuyên nghiệp…".

Chưa đủ sức hút

TPHCM, nơi có khoảng 10 triệu dân, nhưng đội bóng đá nữ của thành phố lại rất ít con em thành phố mà chủ yếu các cầu thủ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Chính điều này khiến cho sức hút của bóng đá nữ đối với người dân thành phố không nhiều. Những trận đấu bóng đá nữ vắng khán giả dù đội bóng nữ TPHCM nhiều lần vô địch quốc gia trong những năm gần đây. Người ta đã quen với hình ảnh gia đình của các nữ cầu thủ ngồi cổ vũ ở khán đài A sân Thống Nhất đến từ các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trò chuyện với phóng viên, đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đầu tiên, Trương Thị Ngọc Mai nói: “Bóng đá nữ chỉ mong ước được sự quan tâm bằng một phần nhỏ bóng đá nam thôi. Các trận đấu của bóng đá nữ rất quyết liệt, sòng phẳng, đẹp mắt, nhưng lại rất ít người đến xem”.

Huấn luyện viên Kim Chi chia sẻ: “Bóng đá nữ TPHCM vô địch quốc gia, vô địch Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, nhưng nếu như không có nhiều bạn trẻ đến với bóng đá nữ thì tương lai bóng đá nữ TPHCM rất đáng lo”.

Đặng Thị Kiều Trinh, sau khi chứng kiến tuyển nữ lên ngôi hậu tại SEA Games 30  vui vẻ nói: “Chúng em đã từng vô địch SEA Games nhiều lần, nhưng riêng HCV vô địch năm nay của các bạn tại Philippines được xã hội quan tâm nhiều hơn cả, làm cho giới bóng đá nữ chúng em rất vui”.

Tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ bóng đá nữ

Để bóng đá nữ TPHCM phát triển, Liên đoàn bóng đá TPHCM đã xây dựng thêm đội nữ TPHCM 2 gồm các cầu thủ trẻ, là nguồn cung cấp cầu thủ tương lai cho đội TPHCM 1. Tiền đạo Lưu Ngọc Mai cũng được cử đảm trách huấn luyện đội nữ U16 TPHCM, nơi cựu thủ môn quốc gia Đặng Thị Kiều Trinh làm huấn luyện viên thủ môn.

Cựu tuyển thủ Phương Loan vẫn miệt mài với những giải đấu phong trào. Cô tiết lộ: “Tôi hy vọng những người dân thành phố, nhất là dân văn phòng sẽ thích môn bóng đá nữ, chơi bóng đá nữ. Sau đó, con cái của họ sẽ tham gia vào các CLB bóng đá nữ, đó chính là cách để phát triển môn này trong đời sống đô thị”.

Cựu nữ tuyển thủ Kim Phụng nói: “Mỗi tuần các cựu tuyển thủ chúng em cố gắng gặp nhau chơi bóng một trận để ôn lại kỷ niệm xưa. Nếu anh có thời gian, cuối tuần ghé sân Tao Đàn sẽ gặp chúng em chơi bóng!”.

Thỉnh thoảng phóng viên lại gặp Trương Thị Ngọc Mai tại các giải đấu bóng đá nữ, thấy cô vẫn rất xông xáo và thường đá ở vị trí phòng ngự. Ngọc Mai nói: “Ngoài công việc ra, chúng tôi dành thời gian đi cổ động cho bóng đá nữ và đá giao lưu cùng các bạn trẻ”.

Dáng gầy, da hơi ngăm đen, nhưng Trương Thị Ngọc Mai vẫn giữ lối đá rất “rát”, rất quyết liệt. Hầu như tháng nào cô cũng đá những trận đấu giao hữu. Trong một trận đấu với đội bóng là các nữ cầu thủ nước ngoài sinh sống làm việc tại TPHCM, những nữ cầu thủ ngoại đều trầm trồ sự chắc chắn và quyết đoán của “lão tướng” Trương Thị Ngọc Mai.

Gây dựng phong trào

Khi chúng tôi viết bài này, cựu tuyển thủ Phương Loan đang ở nước ngoài, khi cô cùng đội bóng phong trào của một công ty đa quốc gia đi thi đấu giải Đông Nam Á. Các cổ động viên thường gọi Phương Loan là “dì”, gọi các cựu tuyển thủ là “các dì”.

Cựu tuyển thủ Phương Loan nói: “Đối với các công ty nước ngoài, việc các nhân viên, nhất là nữ biết chơi thể thao, đặc biệt là bóng đá, công ty đánh giá rất cao và khuyến khích”. Đội bóng mà Phương Loan tham gia huấn luyện gồm các nữ nhân viên văn phòng, có người đã lập gia đình cùng nhiều bạn trẻ. Họ vốn rất ngưỡng mộ bóng đá nữ Việt Nam và từ đó thành lập đội bóng nữ của văn phòng tại TPHCM để đi đấu với các văn phòng đại diện ở Thái Lan, Singapore và các nước khác.

Hiện các nữ cựu tuyển thủ tại TPHCM đã tổ chức được một giải bóng đá nữ phong trào hàng năm quy tụ hàng chục đội bóng đá nữ thuộc khối văn phòng, báo chí, các doanh nghiệp tham gia. Nhờ các giải đấu bóng đá phong trào mà khán giả đến sân xem bóng đá nữ ngày càng đông hơn.  

Vẫn vượt khó

Trao đổi với phóng viên, Đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Huỳnh Như chia sẻ: “Bóng đá nữ lâu nay vẫn thiệt thòi hơn nhiều so với bóng đá nam, đặc biệt là sự quan tâm của khán giả, mặc dù bóng đá nữ đóng góp rất nhiều thành tích, nhưng nhiều trận đấu khán giả vắng tanh. Nhưng mỗi lần ra sân, chúng em đều cố gắng đạt được thành tích cao nhất, đem vinh quang về cho Tổ quốc”.

Sau thành tích lịch sử, lần thứ 6 bóng đá Việt Nam vô địch SEA Games, đội trưởng Huỳnh Như chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Thương!!! Vì chúng ta chưa bao giờ ngừng cố gắng, vì chúng ta luôn yêu thương nhau như một gia đình, vì chúng ta luôn có những người thầy người cô chăm lo cho chúng ta từng bữa ăn giấc ngủ. Vì chúng ta là người Việt Nam!!!
Thắng lợi này giành cho tất cả, cảm ơn ban huấn luyện, những đồng đội thân yêu và người hâm mộ đã luôn bên cạnh đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam”.

Ở quê nhà, cựu thủ môn Kiều Chinh cũng chia sẻ với phóng viên trong quán cà phê mới mở của mình: “Mỗi trận đấu của đội tuyển chúng ta, đặc biệt là với đối thủ Thái Lan, đều rất khó khăn, đôi khi đổi bằng cả máu và nước mắt. Tại SEA Games 30 cũng vậy. Chúng ta đã cố gắng hết sức mình và giành chiến thắng vinh quang làm nức lòng người hâm mộ cả nước.  Xin chúc mừng tất cả các bạn và ban huấn luyện!”.

Tuyển thủ Huỳnh Như tặng áo đấu có chữ ký của các nữ tuyển thủ sau chiến thắng tại SEA Games 29 (2017) cho tác giả bài viết 

Cựu thủ môn Kiều Trinh bật mí rằng: “Mấy hôm nay, khi mà dư luận quan tâm nhiều hơn đến đội bóng đá nữ dự SEA Games 30, nhiều phụ huynh đã dẫn con em tới xin thi tuyển vào đội bóng đá nữ U16 TPHCM, đó chính là niềm vui của chúng em, những người làm bóng đá nữ!”. 

(Còn nữa)  N.A