Tại Thủ đô Athens và thành phố Thessaloniki, đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát nổ ra. Nhiều kẻ quá khích ném gạch đá, bom xăng vào cảnh sát. Ảnh: Reuters.
Những gì Hi Lạp hay châu Âu đang trải qua sẽ có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia - con nợ nào nếu như không kịp thời điều chỉnh cách nhìn với công nợ và tầm nhìn trong đầu tư...
Trước hết, công nợ vừa gồm nợ mà chính phủ vay, vừa gồm nợ mà chính phủ bảo lãnh cho các tổng công ty, tập đoàn trong nước vay. Trong cả hai trường hợp đều mang chủ quyền đất nước mình ra cầm cố, bởi thế mới gọi là sovereign debt (tạm dịch là nợ do chính phủ đứng tên).
Gọi là đem chủ quyền ra cầm cố do lẽ nếu vỡ nợ, để được nhận gói giải cứu của thiên hạ, sẽ phải chấp hành một gói điều kiện hoàn toàn do thiên hạ đặt ra.
Chính phủ nước con nợ vẫn tồn tại, vẫn hoạt động, nhưng nhất cử nhất động về mặt kinh tế - tài chính, thuế khóa, lương bổng, an sinh xã hội sẽ phải tuân theo từng chữ gói điều kiện đã ký kết.
Như trường hợp Chính phủ Hi Lạp khi nhận gói giải cứu từ khối EU và IMF từ tuần trước, như các chính phủ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha nay phải bắt đầu cùng Chính phủ Hi Lạp cắt giảm ngân sách tuyệt đối.
Cắt giảm ngân sách không đơn giản là những con số phần trăm GDP mà là “thắt bao tử” toàn dân, giảm phúc lợi toàn xã hội, là “chôn sống” một bộ phận dân chúng không có của ăn của để có thể mài vàng ra bán mà ăn, mà chữa trị khi đau ốm như các “thiếu gia” và “đại gia” trong liên minh “cánh hẩu” ngày nào.
Sở thuế Hi Lạp nay mới “sáng dạ” để sử dụng công cụ bản đồ Google Maps và đếm được trên 14.000 hồ bơi trong các đại biệt thự của các “đại gia” trốn thuế ở thủ đô Athens!
Cắt giảm ngân sách còn là cắt bình sữa, cắt nồi cơm của thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn thắt lưng buộc bụng ấy, để 20 năm sau sẽ là một thế hệ thanh niên “còi” nhất thế giới! Là cả nước “cày” đêm ngày, nếu như còn có đủ công ăn việc làm, không biết cho tới bao giờ để trả nợ và lãi cũ lẫn “nợ giải cứu” và “lãi giải cứu”.
Ngay cả những nước chưa “tới số” lắm như Pháp cũng phải thôi không còn “cả nước đi nghỉ hè” vào tháng 7, tháng 8 tới!
Văn kiện giải cứu đồng euro của các bộ trưởng tài chính EU có ghi rõ quyết tâm và phương hướng: “Chúng tôi sẽ tăng cường các quy định và thủ tục giám sát các nước thành viên khu vực euro, kể cả bằng các biện pháp chế tài hữu hiệu nhất. Ủy ban châu Âu (tức hành pháp của EU) sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể...”.
Những gì xảy ra cho dân chúng Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và EU từ tuần này chính là nhắc nhở quý giá cho các chính phủ trước khi bàn mưu tính kế vay nợ. Thật ra nợ nhiều cũng chưa phải là tội lỗi. Vấn đề là sử dụng nợ đó như thế nào.
Theo Danh Đức
Tuổi Trẻ
Danh sách nợ của 4 nước
Tại sao thông cáo chung “giải cứu” của các bộ trưởng tài chính khối euro ghi rõ sau Hi Lạp là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, chứ không phải một nước khác có tỉ lệ nợ cao hơn là Ý?
Có thể thấy nợ, theo thứ tự là Hi Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Ý nợ thứ nhì, sau Hi Lạp. Trong khi thâm thủng ngân sách, theo thứ tự là Hi Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý. Do thâm thủng ít hơn nhiều, chỉ bằng phân nửa, nên Ý không bị xem là “sắp vỡ nợ”, chưa bị “quản thúc” như Hi Lạp, hay “quản chế” như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.