Giấc mơ đoạt HCV SEA Games cùng với lứa Công Phượng, Xuân Trường… của bầu Đức đã không thành hiện thực khi tới năm 2019, những cầu thủ này không còn đủ độ tuổi tham dự đại hội khu vực. Và cùng với sự thăng hoa của những cầu thủ nhà bầu Hiển, người ta đang nhắc tới bầu Đức trong tương quan so sánh giữa cả hai.
Nhưng trước tiên hãy nói về một câu chuyện khác. Năm 2013, Chính phủ đã chính thức phê duyệt “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Sau 4 năm thực hiện, tới cuối năm 2030 thì theo đánh giá, hầu hết các mục tiêu quan trọng những người làm bóng đá Việt Nam hướng tới đều khó có thể thành hiện thực.
Trong số này, đơn cử như việc đưa ĐTQG Việt Nam vào tốp 15 châu lục, đoạt thêm 1 chức Vô địch AFF Cup hoặc cả HCV SEA Games. Với những người nhớ dai, thì xa về trước nữa, bóng đá Việt Nam từng không ít lần mơ giành vé vào VCK World Cup, với các cột mốc như năm 2030 hoặc thậm chí 2022 sắp tới.
Khát vọng đoạt HCV SEA Games 2017 của bầu Đức, suy cho cùng cũng nằm trong một chuỗi những mong muốn hoặc mục tiêu đặt ra của bóng đá Việt Nam. Trước bầu Đức, bóng đá Việt cũng không thiếu những tuyên bố hùng hồn, để rồi sau tất cả… chỉ còn lại sự ngẩn ngơ của người hâm mộ. Như việc đưa Van Nistelrooy hay Deco, hai danh thủ hàng đầu thế giới về chơi bóng ở V-League. Hoặc một ngày Cristiano Ronaldo xuất hiện tại sân vận động Hàng Đẫy ở thời điểm tiền đạo Bồ Đào Nha đang tỏa sáng rực rỡ trong màu áo đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha, Real Madrid. Ronaldo nay đã không còn chơi cho Real Madrid, nhưng ắt vẫn không ít người hâm mộ Việt Nam mong được gặp anh.
Trong bóng đá, việc đặt ra một mục tiêu cụ thể để phấn đấu luôn là việc cần thiết để 1 CLB, 1 nền bóng đá hoặc cá nhân có thể tiến xa. Dĩ nhiên, mức độ thực tế đến đâu của mục tiêu một người có thể đặt ra lại là vấn đề khác.
Chúng ta có thể đã rất quen với những luận điểm, tỉ như một quốc gia hơn 90 triệu dân, với lực lượng CĐV cuồng nhiệt và yêu bóng đá cỡ Việt Nam, việc có một ĐTQG mạnh là không khó, vé dự World Cup chẳng xa vời. Những có lẽ ít ai nghĩ đến một thực tế, ngay cạnh Việt Nam, Trung Quốc với dân số hơn 1,3 tỷ người, nguồn lực tài chính cho thể thao và bóng đá khổng lồ cũng chỉ mới 1 lần vào World Cup, và toàn thua ở vòng đấu bảng. Thái Lan vượt trội về kinh tế, cơ sở vật chất, thống trị Đông Nam Á nhưng cũng chưa một lần góp mặt. Và, chúng ta có tự tin để khẳng định rằng người hâm mộ Việt Nam yêu bóng đá hơn Myanmar, Thái Lan, Indonesia hay Lào, Campuchia?
Chỉ bằng những thực tế trên, dễ có thể nhìn ra những gì bóng đá Việt Nam có thể, hoặc chưa thể làm được trong ngắn hạn, thậm chí là dài hạn. Nhưng trong lúc chờ ĐTQG vào World Cup, vẫn có những thứ bóng đá Việt Nam có thể nghĩ tới, và tận hưởng.
Dù khác biệt về đẳng cấp, trình độ, nhưng bóng đá ở đâu cũng có thể tạo nên những giá trị tinh thần như nhau. Người Croatia hân hoan với ngôi vị Á quân World Cup của ĐTQG, thì những ai yêu bóng đá ở Việt Nam cũng từng lâng lâng vui sướng với vị trí thứ nhì châu lục của U23 Việt Nam. Quang Hải, Minh Vương hay Công Phượng… vừa khiến cả triệu người sung sướng khi góp công đưa Olympic Việt Nam vào tới Bán kết Asiad 2018, nó cũng giống như việc lứa Công Phượng, Lương Xuân Trường từng thổi một luồng sinh khí mới vào bóng đá Việt Nam cách đây không lâu.
Nếu nhận diện bóng đá như một chuỗi cung bậc cảm xúc khác nhau, thì bầu Đức và HAGL gắn liền với nhiều giây phút tươi đẹp của bóng đá Việt Nam. Giá trị tinh thần những Công Phượng, Xuân Trường… từng đem đến cho người hâm mộ là khó có thể đong đếm. Danh hiệu, cúp vô địch là những giá trị vật chất cụ thể, nhưng bóng đá cần nhiều hơn thế. Cúp vô địch chỉ có ý nghĩa khi nó đem lại niềm hân hoan cho đông đảo người yêu mến. V-League cũng như bóng đá Việt, suy cho cùng nếu thiếu bầu Đức và HAGL, niềm vui còn lại được bao phần?