Với sự góp mặt của Nguyễn Quang Hải, CLB Công An Hà Nội (CAHN) đang sở hữu đội hình trong mơ ở V-League. Đội bóng này trước đó đã gây sốc làng bóng đá khi thực hiện hàng loạt cuộc mua sắm, đưa về nhiều gương mặt đều là tuyển thủ quốc gia từ những đội bóng khác nhau. Đó là Đoàn Văn Hậu, đồng đội cũ của Quang Hải ở CLB Hà Nội, Tấn Tài (Topenland Bình Định), Vũ Văn Thanh (HAGL)… chưa kể các ngoại binh đắt tiền.
Sau khởi đầu chệch choạc, CAHN hiện đang nổi lên như ứng viên lớn cho chức vô địch V-League 2023 với 21 điểm sau 11 vòng đấu, chỉ kém đội dẫn đầu Đông Á Thanh Hoá 1 điểm. Quang Hải được đánh giá là sự bổ sung quan trọng trên hàng tấn công, đồng thời giúp CAHN thu hút sự quan tâm của giới hâm mộ bởi anh được xem là ngôi sao tấn công số 1 bóng đá Việt Nam hiện nay.
Các nguồn thạo tin V-League cho rằng Quang Hải nhận được số tiền “lót tay” không dưới 6 tỷ đồng/mùa cho bản hợp đồng có thời hạn 1,5 năm, cùng với đó là mức lương kỷ lục trên 100 triệu đồng/tháng. Điều này không có gì bất ngờ bởi bên cạnh chuyên môn, giá trị hình ảnh của Quang Hải là rất lớn. Sau khi nổi lên từ giải U23 châu Á 2023, Quang Hải trở thành cầu thủ thuộc hàng “tốp” bóng đá Việt Nam, có lượng fan lớn.
Lịch sử bóng đá Việt Nam từng chứng kiến không ít bản hợp đồng “bom tấn” với số tiền lót tay nhiều tỷ đồng. Dù vậy, có lẽ chưa trường hợp nào nhận mức lương lớn như Quang Hải. Trước thời điểm đầu quân cho Pau FC (Pháp), từng có Chủ tịch một đội bóng tại V-League đưa ra đề nghị cho Quang Hải với mức lương được cho không dưới 150 triệu đồng/tháng. Dù vậy, tiền vệ sinh năm 1997 đã chọn xuất ngoại với mong ước khám phá các giá trị của bản thân.
Ở đây có thể kể đến một số trường hợp cụ thể như tiền đạo Nguyễn Việt Thắng, trung vệ Lê Phước Tứ hay tiền đạo Lê Công Vinh, đều có số tiền “lót tay” trên dưới chục tỷ đồng. Lê Công Vinh đến thời điểm hiện tại có thể nói vẫn là ngôi sao sở hữu số hợp đồng chuyển nhượng lớn bậc nhất bóng đá Việt Nam. Năm 2007, tiền đạo xứ Nghệ đầu quân cho CLB T&T Hà Nội (CLB Hà Nội hiện nay) với số tiền “lót tay” 7 tỷ đồng. Đây là con số cực “khủng” ở thời điểm đó.
Đến năm 2012, Công Vinh tiếp tục khiến làng bóng đá nổi sóng khi chia tay đội bóng của bầu Hiển để đầu quân cho CLB bóng đá Hà Nội của bầu Kiên. Bản hợp đồng 3 năm với đội bóng của bầu Kiên đem lại cho Công Vinh số tiền “lót tay” khoảng 20 tỷ đồng, theo nhiều nguồn tin khác nhau. Trong sự nghiệp bóng đá của mình, Công Vinh sau đó còn nhiều bản hợp đồng khác đều có giá trị bạc tỷ.
Nếu Quang Hải, Công Vinh là những ngôi sao tấn công hàng đầu của bóng đá Việt Nam, thì Nguyễn Tiến Đại xứng đáng là “cò” bóng đá số 1. Điểm chung trong nhiều thương vụ khủng của V-League nói trên là đều gắn với ông Trần Tiến Đại. The Vissai Ninh Bình thời ông Đại đảm nhiệm các vị trí từ Giám đốc điều hành đến cả… HLV được ví như trạm trung chuyển cầu thủ với hàng loạt thương vụ lớn, gồm bản hợp đồng với Việt Thắng và Lê Phước Tứ. Sau khi chia tay Ninh Bình, ông Đại được Xuân Thành Sài Gòn trọng dụng và đội bóng này lập tức trở thành “ngôi sao mua sắm” ở V-League, với bản hợp đồng được nhắc đến nhiều nhất là Lê Phước Tứ, được đồn đại lên tới 14 tỷ đồng.
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, ông Đại khiến nhiều người bất ngờ khi xuất hiện ở CLB CAHN và đội bóng này hiện cũng liên tục gây sốc thị trường chuyển nhượng. Không như nhiều nhà môi giới khác ở V-League, ông Đại khá kín tiếng và ít khi phát ngôn. Nhưng bản thân các hợp đồng lớn gắn với tên tuổi của mình đã là một sự khẳng định cho quyền lực đặc biệt của người đàn ông này ở hậu trường bóng đá Việt.