Những thói quen có hại cho sức khỏe

Trong cuộc sống, đôi khi có những thói quen mà chúng ta hoàn toàn không để ý, nhưng chúng lại gây tác hại tới sức khỏe nếu ta không điều chỉnh kịp thời.

Những thói quen có hại cho sức khỏe

Trong cuộc sống, đôi khi có những thói quen mà chúng ta hoàn toàn không để ý, nhưng chúng lại gây tác hại tới sức khỏe nếu ta không điều chỉnh kịp thời.

Xem tivi quá gần cũng gây hại cho cơ thể. Ảnh minh họa.

1. Ngoáy mũi

Khi ngồi rỗi không có việc gì làm, nhiều người thường hay ngoáy mũi và ngoáy tai. Thói quen tưởng như rất nhỏ nhặt này lại gây hại cho chúng ta. Ngoài việc mất vệ sinh, ngoáy mũi có thể hủy hoại lông mũi, làm rách màng dính, gây chảy máu. Vì màng dính ở mũi rất mềm, mỏng và có nhiều mạch máu. Vi trùng theo ngón tay vào lỗ mũi, làm mũi bị viêm mạn tính, tắc lỗ mũi, đỏ mũi, sống mũi sưng đỏ lâu ngày không khỏi.

2. Ngoáy tai

Ngoáy tai có thể làm rách da của tai ngoài, khiến lỗ tai luôn chảy nước. Thậm chí còn có thể làm rách màng nhĩ, khiến vi trùng xâm nhập trung nhĩ, dẫn đến viêm tai giữa, chảy máu tai.

3. Cắn móng tay

Cắn móng tay nghe có vẻ là thói quen ở trẻ nhỏ. Nhưng thật ra nhiều người lớn cũng có thói quen cắn móng tay. Kết quả là móng tay bị nham nhở, quá sát với phần thịt, dẫn đến sưng đau móng tay, thậm chí bị nhiễm trùng. Nếu bạn “nghiện” cắn móng tay thì nó còn có thể làm biến dạng ngón tay.

Móng tay còn chứa rất nhiều vi khuẩn vì thế việc cắn móng tay còn có thể khiến chúng ta nhiễm giun sán. Ngoài ra, cắn móng tay còn làm hại đến răng và làm mỏi khớp thái dương. Điều đó làm ảnh hưởng đến sức nhai và cách phát âm.

4. Gãi đầu

Đôi khi, ai đó gãi đầu chẳng phải vì họ ngứa mà đó chỉ là một thói quen. Nhưng bạn biết không, gãi đầu chẳng những gây mất mỹ quan với người đối diện mà còn khiến cho da đầu bị xước, dễ gây nhiễm trùng. Ngoài ra điều này cũng khiến cho tóc bị rụng nhiều và nhanh. Thói quen gãi đầu khiến cho tóc dễ bị xơ xác, mất đi độ bóng khỏe bình thường.

5. Liếm môi

Đây là thói quen của rất nhiều người khi cảm thấy môi mình bị khô hoặc nẻ, chưa kể nhiều người còn nghĩ động tác này khiến môi có vẻ mềm ra, dễ chịu hơn nhưng thực chất ngược lại. Trong nước bọt chúng ta có chứa men tinh bột, tương đối dính, liếm lên môi thì giống như 1 lớp hồ mỏng lên môi. Nhưng khi nước bọt bốc hơi hết, thì môi sẽ càng khô hơn. Hơn nữa, trên môi có dính bụi và mầm bệnh nên dùng lưỡi liếm rất mất vệ sinh. Để giữ cho môi không bị khô, bạn nên sử dụng kem dưỡng môi.

6. Gối tay khi ngủ

Một số người có thói quen kê tay lên đầu gối khi đi ngủ mà không biết rằng thói quen này rất có hại cho sức khỏe. Tay phải giơ lên cao khi ngủ làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu của cánh tay khiến cho tay bị tê liệt, nhức mỏi. Ngoài ra, cánh tay giơ cao cũng sẽ làm cho áp lực vùng bụng tăng lên, làm cho thức ăn trong dạ dày cùng với dịch tiêu hoá chạy ngược trở lại thực quản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng niêm mạc thực quản chạy máu, bệnh phù thũng, viêm thực quản do thức ăn bị trào ngược.

7. Ngồi quá sát màn hình

Xu hướng của nhiều người, đặc biệt là người trẻ, khi xem TV hay dùng máy tính là ngồi gần, tiến sát hơn nữa, ngày một gần thêm vào màn hình. Nhưng ngồi quá gần màn hình khiến cho mắt ta dễ bị mỏi, khô mắt từ đó khiến cho chức năng mắt bị suy giảm. Việc ngồi quá gần khiến cho mắt phải điều tiết nhiều, mau mệt. Đó cũng là lí do vì sao nhiều người khi sử dụng máy tính thường cảm thấy buồn ngủ.

Vì vậy, bạn cần điều chỉnh khoảng cách thích hợp khi xem TV và sử dụng máy tính. Màn hình máy tính nên đặt hơi nghiêng về phía sau và cách mặt khoảng từ 50-70cm

Không nên đeo tai phone nghe nhạc quá to.

8. Nghe tai phone to và thường xuyên.

Hầu hết các thiết bị chơi nhạc di động hiện nay đều được sản xuất với âm lượng lớn hơn 120 Db. Nhiều bạn trẻ đã để âm thanh ở mức cao nhất với những loại nhạc sôi động. Có bạn còn vừa nghe nhạc... vừa ngủ khiến màng nhĩ bị “tra tấn” suốt đêm.

Nhưng bạn có biết không, bạn đang làm hại thính giác của mình. Thường thì, âm thanh không tiếp xúc trực tiếp vào màng nhĩ mà nó được đập vào vành tai, ống tai... trước khi đến màng nhĩ. Nhưng khi nghe bằng Headphone, âm thanh được truyền đến màng nhĩ trực tiếp, khiến màng nhĩ rung rất nhiều, biên độ lớn. Chưa kể đến việc, những người dùng đến tai nghe thường vặn âm thanh ở cường độ lớn để nghe cho thích. Hậu quả là, màng nhĩ sẽ bị xơ hóa từ từ, đục dần và rất cứng khiến cho nó không thể rung động được, gây lãng tai.

Vì thế, lời khuyên tốt nhất cho người sử dụng máy nghe nhạc cầm tay là chỉ nên nghe nhạc từ tai nghe trực tiếp khoảng dưới 1 tiếng/ngày. Mức âm thanh an toàn là khi nghe nhạc bạn vẫn có thể nghe được người khác trò chuyện xung quanh.

Theo Kim Hải
VTV

Theo Tổng hợp