Những danh thủ “cầm gậy chỉ đường”

TP - Sau những tháng ngày tỏa sáng trên sân cỏ, nhiều ngôi sao của CLB bóng đá Công an Hà Nội tiếp tục cống hiến trên cương vị hoàn toàn mới: Những chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT). Không thi đấu trên sân cỏ nhưng họ tiếp tục “ghi bàn” trên mặt trận giữ gìn trật tự an toàn giao thông Thủ đô.
Cựu tiền đạo Nguyễn Tuấn Thành.

Tiền đạo Tuấn Thành: Ðường sá loạn hơn sân bóng

Tình cờ chúng tôi gặp lại tiền đạo tài danh một thời của đội bóng Công an Hà Nội Nguyễn Tuấn Thành khi anh đang thi đấu trên sân tennis giải báo Tiền Phong mở rộng 2015. Giờ anh mập lên khá nhiều, nhưng đôi chân vẫn nhanh nhẹn cứu từng pha bóng đẹp mắt. Ðến với bóng đá chuyên nghiệp năm 1993, Tuấn Thành nhanh chóng thành danh trong màu áo đội bóng Công an Hà Nội - một trong những biểu tượng của bóng đá Việt Nam thời bấy giờ. Năm 1994, Tuấn Thành đã cùng đội bóng Thủ đô thăng hạng, sau đó 1 năm, anh trở thành “Vua phá lưới Cúp Quốc gia 1995”. Năm 1997, Tuấn Thành được gọi vào Ðội tuyển quốc gia, thuộc nhóm những tiền đạo hàng đầu Việt Nam lúc đó.

Là một tay ngang sang CSGT, mình chẳng mong lên lãnh đạo, làm lính thôi nhưng vui, được cống hiến cho ngành công an, vẫn được đá bóng, tennis, thi thoảng ngồi với anh em, chiến hữu… thế là mãn nguyện rồi!

            Tuấn Thành

Hết mùa giải 2003, Tuấn Thành giải nghệ và được phân công làm việc tại Ðội CSGT số 5, Công an Hà Nội. Chia sẻ những kỷ niệm ngày đầu tiên “cầm gậy chỉ đường”, anh thật thà: Giao thông loạn hơn sân bóng nhiều! Tuấn Thành mất hơn 1 tháng để “kiến tập”, nhờ lớp đàn anh trong ngành chỉ dạy cách thức xử lý tình huống. Bởi đứng ra chặn xe không phải là một công việc dễ dàng, nếu không có kỹ năng rất dễ gây tai nạn cho bản thân và cả cho những phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh các kỹ năng mềm, thời gian đầu, lúc nào anh cũng phải kè kè cuốn Luật Giao thông đường bộ, để “nếu có quên còn giở ra học bài”.

  

Ðặc biệt, trong những năm 2003 - 2007, khi làm nhiệm vụ tại các chốt giao thông, không ít người hâm mộ nhận ra Tuấn Thành. Người đi qua chào một cái, người dừng lại nói chuyện vài ba câu chuyện rồi đi. Có trường hợp vi phạm bị xử lý là người hâm mộ của đội bóng Công an Hà Nội, vừa ký biên bản, vừa xin lại chữ ký của Tuấn Thành, khiến anh lúng túng chỉ biết cười trừ. Những câu chuyện nhỏ như vậy cũng khiến tiền đạo tài hoa của Công an Hà Nội thêm vui và tự tin hơn với công việc mới.

Có thời gian, anh được điều chuyển về công việc bàn giấy tại Ðội Quản lý phương tiện. Tuy nhiên, bản tính phóng khoáng không cho phép anh làm công việc bàn giấy, anh xin chuyển về tiếp tục công việc “đứng đường”. Hiện tại, Tuấn Thành đang rất hài lòng với công việc đảm bảo giao thông tại Ðội CSGT số 6. Kể về cái duyên đến với công việc CSGT, chàng trai quê Hưng Yên thật thà chia sẻ: Là một tay ngang sang CSGT, mình chẳng mong lên lãnh đạo, làm lính thôi nhưng vui, được cống hiến cho ngành công an, vẫn được đá bóng, tennis, thi thoảng ngồi với anh em, chiến hữu… thế là mãn nguyện rồi!

Lưu Thanh Châu: “Chấn thương” khi không còn là cầu thủ

Chiến sỹ CSGT Lưu Thanh Châu đang làm nhiệm vụ.

Trưởng thành từ lò đào tạo của bóng đá trẻ Thanh Hóa, Lưu Thanh Châu sau đó tham gia đội bóng Công an Hà Nội. Với thể trạng gầy gò nhưng Lưu Thanh Châu được biết đến như một cầu thủ trụ cột của đội bóng Thủ đô lúc ấy. Anh có thể tham gia chơi ở nhiều vị trí và nổi tiếng là một cầu thủ hậu vệ nhưng thường xuyên ghi bàn. Năm 2005, Lưu Thanh Châu được chuyển về công tác tại Phòng CSGT Hà Nội và kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh sau gần 10 năm chuyển “vị trí thi đấu” lại là một tai nạn đáng sợ.  Ðó là vào một ngày đầu năm 2013, khi đang là tổ trưởng một tổ tuần tra, Lưu Thanh Châu bị một đối tượng dùng máy cắt cỏ đang hoạt động lao thẳng vào mặt. 

Châu kịp thời né và vác chiếc bàn làm việc lên chống đỡ nhưng chiếc khiên này cũng nhanh chóng bị cắt nát. Ðối tượng táo tợn tiếp tục dùng máy cắt cỏ tấn công, đến khi bị các đồng đội của Châu lao vào khống chế mới dừng lại. Sau tai nạn ấy, Châu trở thành thương binh của ngành với thương tật 29% và được chuyển về công tác tại Ðội CSGT số 6. Gương mặt anh vẫn bị những vết sẹo chằng chịt đeo bám. Một ngón tay cái của anh hầu như mất hết cảm giác. Rất may, “đôi chân vàng” mà ông trời phú cho chàng cầu thủ ngày xưa không làm sao và đến bây giờ anh vẫn tích cực thi đấu cho ngành Công an mỗi khi có dịp. 

Gặp chúng tôi, Thanh Châu không muốn nói nhiều đến tai nạn ấy và thường kể về những kỷ niệm vui. Ðó là những chiếc cup gần đây tuy không hoành tráng như lúc trước nhưng là những niềm vui không thể so sánh được của anh, như: vô địch giải dành cho lực lượng Công an các nước ASEAN, vô địch Ðại hội thể thao của Bộ Công an năm 2015… Ðặc biệt, niềm vui cũng trở lại bất ngờ với anh khi nhiều trường hợp người vi phạm nhìn thấy Lưu Thanh Châu thì ồ lên thích thú. Quan điểm của anh cũng rất rõ ràng trong công việc, đó là, trước tiên phải tuyên truyền cho người tham gia giao thông hiểu và tự giác chấp hành, có thế mới có thể làm giảm bớt đi những tai nạn đáng tiếc trên đường.

Phạm Việt Cường: Tận tâm với mỗi công việc được giao phó

Những người hâm mộ đội bóng Công an Hà Nội, khi nhắc lại kỷ niệm, khó ai quên được “người nhện” Phạm Việt Cường. Ðam mê bóng đá từ nhỏ, Việt Cường đã sớm bộc lộ năng khiếu thể thao và rèn luyện kỹ năng để trở thành thủ thành số một của đội Công an Hà Nội. Nói về những khó khăn thiếu thốn thời điểm Công an Hà Nội mới lên hạng, từ A1 đến giải Hạng Nhất (khi chưa có V League) thì còn nhiều. 

Nhưng với niềm đam mê trái bóng tròn, cùng nhiệm vụ giữ gìn màu cờ sắc áo cho Công an Hà Nội, anh đã cùng đồng đội vượt qua mọi khó khăn. “Những khi đá ở miền Trung hay miền Nam, cả đội phải vào đó trước cả tháng để làm quen sân bãi, điều kiện khí hậu. Xa nhà 2- 3 tháng là chuyện bình thường đối với mỗi cầu thủ”, Việt Cường tâm sự. Nghiệp cầu thủ của thủ môn Việt Cường kéo dài đến năm 2008, anh được thuyên chuyển công tác sang Ðội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, Phòng CSGT Hà Nội. 

Cựu thủ môn Phạm Việt Cường.
Cầu thủ Công an Hà Nội một thời hòa nhập với công việc mới rất nhanh. Anh luôn tâm niệm, công việc tuần tra dẫn đoàn vừa là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị cao cả, là danh dự của người chiến sĩ CSGT. Mỗi sứ mệnh thực thi đều đóng góp một phần không nhỏ trong việc nâng cao hình ảnh quốc gia. Trong 5 năm ở Ðội CSGT Tuần tra dẫn đoàn, Việt Cường đã cùng tham gia, đảm bảo an toàn cho nhiều sự kiện chính trị quan trọng: Ðại hội Ðảng toàn quốc, Hội nghị thượng đỉnh ASEM (Hội nghị Á - Âu)… những chính khách nổi tiếng: Tổng thống Nga Putin, Tổng Thư ký Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon…

Không chỉ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, Việt Cường còn là một cán bộ xông xáo, nhiệt tình trong các hoạt động văn hóa thể thao của Phòng CSGT Hà Nội và Bộ Công an. Từ giải bóng đá nội bộ, giải bóng đá Ðoàn Thanh niên Phòng CSGT Hà Nội, đến các giải đấu của Công an Thành phố… Việt Cường đều xuất hiện, khi thì với vai trò cầu thủ, huấn luyện viên, hay cả trọng tài. Mới đây nhất, cựu thủ môn 40 tuổi đã góp sức giúp đội bóng Công an Hà Nội giành Huy chương vàng Ðại hội khỏe “Vì an ninh Tổ quốc”.