Nhiều trẻ Việt bị bắt trồng cần sa ở Anh

TP - Nhiều gia đình Việt Nam lo tiền cho con em sang Anh học tập mà không biết rằng chúng bị các băng nhóm tội phạm bắt đi trồng cần sa.

> Xét xử người Việt trồng cần sa tại Đức
> Phát hiện đối tượng trồng cần sa quy mô lớn

Cảnh sát Anh xem xét một vườn cần sa ở phía đông London. Ảnh: The Guardian.

Mỗi bức ảnh trên trang web của tổ chức tìm kiếm trẻ em mất tích Missing Kids UK (Anh) nói lên một câu chuyện ám ảnh riêng, nhưng khi nhìn toàn cảnh thì lại thấy nổi lên một vấn đề không thể làm ngơ, BBC đưa tin ngày 17/6, trong số 113 trẻ vị thành niên trong danh sách mất tích (không bao gồm trường hợp mất tích trong thời gian ngắn hoặc vì lý do an ninh), gần 1/5 là người Việt Nam, dù cộng đồng người Việt chiếm chưa tới 0,1% dân số nước Anh.

Hầu hết số thiếu niên này bị các nhóm tội phạm đưa vào Anh qua con đường bất hợp pháp, bị cảnh sát phát hiện rồi được đưa vào trung tâm chăm sóc. Những đứa trẻ này không bỏ trốn khỏi các đối tượng đã bắt giữ mình mà còn trốn khỏi các gia đình nhận nuôi, trung tâm nuôi dưỡng để tìm cách trả khoản nợ lớn và tránh để gia đình ở quê nhà bị trả thù.

Văn, cậu bé 15 tuổi người Việt Nam, nằm trong danh sách mất tích nói trên với một tên khác. Cậu bị đưa đến Anh bằng cách giấu trong xe tải và bị ép làm tôi tớ trong nhà của người đã buôn mình. Sau đó, Văn bị buộc phải trở thành “người làm vườn” tại một số cơ sở trồng cần sa.

Theo ông Harry Shapiro, công tác tại Drugscope (tổ chức tư vấn độc lập về ma túy hàng đầu của Anh), các cơ sở sản xuất cần sa thường nằm trong khu dân cư, chia thành nhiều đơn vị nhỏ để giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện. Hệ thống đèn thủy canh và phun nước giúp cây phát triển nhanh, và những thiếu niên như Văn thường bị nhốt trong những cơ sở như thế.

Con chạy trốn, bố mẹ bị trả thù

Năm ngoái, 96 trẻ em Việt Nam được giao cho cơ quan quản lý buôn người thuộc Chính phủ Anh, khiến Việt Nam trở thành nước có số lượng trẻ em dưới 18 tuổi mất tích nhiều nhất tại Anh.

Văn cho biết cậu thường xuyên bị đánh đập khi làm việc trong các cơ sở trồng cần sa, nhưng cậu trốn thoát được hồi đầu năm 2012. Sau khi đi bộ cả ngày trời, cậu đến một đồn cảnh sát để nhờ giúp đỡ. Cảnh sát lấy dấu vân tay và thấy liên hệ với một cơ sở trồng cần sa. Văn bị bắt vì bị tình nghi trồng cần sa. Sau đó cậu biến mất bí ẩn.

Cơ quan chức năng tin rằng, Văn bị chính những chủ cũ bắt đi. Đến nay, cậu đã mất tích hơn 1 năm.

Ông Liam Vernon, Giám đốc Trung tâm Phòng chống Buôn người (Anh), cho biết, nhiều khi cảnh sát phát hiện một số cơ sở sản xuất cần sa không hề khóa cửa, vì bọn tội phạm biết nạn nhân không dám chạy trốn. Ít nhất 2 trường hợp đã bị trả thù, bằng cách đốt sạch trang trại của gia đình có con bỏ trốn.

Trúc Quỳnh
Theo BBC

Theo Báo giấy