Đông đảo hoa hồng do đồng nghiệp đem đến lễ Giỗ 40 năm ngày mất NSƯT Thanh Nga
Đến dự có rất nhiều nghệ sĩ đã từng hát chung đoàn Thanh Minh - Thanh Nga với NSƯT Thanh Nga, những đồng nghiệp như NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Nam Hùng, NSƯT Thanh Vy, NSƯT Thanh Nguyệt, NSƯT Ca Lê Hồng, Mộng Tuyền, Hà Mỹ Xuân, Kiều Mai Lý…
Ngoài ra còn có các nghệ sĩ thuộc thế hệ sau như NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Hội, NSƯT Kim Xuân, Phước Sang, Phi Phụng, Ái Như, Huy Khánh…
Lúc sinh thời, NSƯT Thanh Nga rất yêu thích hoa hồng nên sân khấu đã được những người tổ chức trang trí hoa hồng đỏ thắm. Buổi lễ được mở màn với những thước phim truyền hình với những vở diễn của Thanh Nga đã đi vào lòng người như Bên cầu dệt lụa, Tiến trống Mê Linh, Thái hậu Dương Văn Nga… . Khi giọng ca của Thanh Nga cất lên trong Tiếng trống Mê Linh đã khiến cho khán giả vỗ tay nhiệt liệt.
Rồi nhiều nghệ sỹ đã chia sẻ những cảm xúc của mình với NSƯT Thanh Nga. NSND Bạch Tuyết kể khi còn học phổ thông, vì hâm mộ Thanh Nga mà chị đã từng lén vào khán đài sân khấu để xin chữ ký thần tượng. Khi nghe Bạch Tuyến hát, Thanh Nga đã khen và động viên Bạch Tuyết đến với san khấu Cải lương. “Lời động viên của chị đã giúp cho tôi có thêm nghị lực để đến với sân khấu cải lương. Và thật bất ngờ khi tôi đạt giải Triển vọng Thanh Tâm năm 1963, chính Thanh Nga là người đã trao Huy chương cho tôi”- NSND Bạch Tuyết kể.
Còn nghệ sỹ Hà Linh (Con trai Thanh Nga- Bé Cúc Cu ngày nào) nhớ lại những giây phút kinh hoàng khi cha mẹ anh đã cố bảo vệ anh khỏi tay những kẻ bắt cóc. Đó là khoảng 23 giờ đêm 26/11/1978, sau khi diễn vở cải lương "Thái hậu Dương Vân Nga" của soạn giả Huy Trường tại rạp hát Cao Đồng Hưng (nằm ở khu vực chợ Bà Chiểu- Bình Thạnh), nghệ sĩ Thanh Nga lên chiếc xe hiệu Volkswagen do chồng bà lái để về nhà. Hai kẻ bắt cóc đã cố bắt giữ cậu bé Cúc Cu lúc đó mới 5 tuổi nhưng NS Thanh Nga đã chống trả quyết liệt và giữ chặt con mình nên chúng không thể bắt Cúc Cu. Hai tên bắt cóc đã dùng súng ngắn cướp đi sinh mệnh của vợ chồng Thanh Nga.
"Thời khắc bị kẻ truy sát dùng súng uy hiếp, Thanh Nga đã giấu con trai ra sau lưng rồi nằm đè lên để giữ tính mạng cho con. Cũng trong phút thập tử nhất sinh, tình yêu Thanh Nga dành cho chồng con bộc lộ rõ nét nhất" – NSND Kim Cương kể lại.
Sau những lời chia sẻ, nhưng người tham dự ai cũng cầm một đóa hồng cắm lên dòng chũ Thanh Nga như để tỏ lòng tiếng thương, cảm mêm với người nghệ sỹ tài năng, đức độ nhưng bạc mệnh.
Nghệ sỹ Hữu Châu, cháu gọi Thanh Nga bằng cô đã thay mặt gia đình cám ơn mọi người. "Hãy nhớ đến cô Thanh Nga bằng những vai diễn mà cô đã đóng trên sân khấu và những điều tốt đẹp nhất về cô. Còn cảm xúc về cô tôi đã nói hàng trăm lần rồi, đó là cảm xúc đặc biệt, nó tồn tại mãi trong lòng tôi suốt mấy chục năm nay. Xin cảm ơn moi người một lần nữa”- Hữu Châu nói.
Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật là Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31/7/1942 tại Tây Ninh. Từ năm 10 tuổi, đã tham gia vai diễn tại đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Năm 12 tuổi, với vai bé Nghi Xuân trong vở "Phạm Công - Cúc Hoa", Thanh Nga đã tạo được sự chú ý của khán giả và giới chuyên môn. Từ năm 16 tuổi, NS Thanh Nga trở thành một "ngôi sao sáng" của làng cải lương miền Nam nhờ hội tụ đầy đủ các yếu tố: thanh, sắc và diễn xuất của một cô đào hát và đoạt giải Thanh Tâm (Giải thưởng danh giá của sân khấu Cải lương ngày đó). Thanh Nga đã để lại dấu ấn qua hàng tram vai diễn sân khấu cũng như hàng chục vai diễn trong điện ảnh.
Nghệ sĩ Thanh Nga mất ngày 26/11/1978 ở tuổi 36 khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Năm 1984, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. 36 năm sau cái chết của Thanh Nga, tên của bà được đặt cho một con đường tại khu dân cư Gia Hòa (Phường Phước Long B- Quận 9- TP HCM).