Nhiều nghi ngờ trong vụ truy nã Phó Tổng thống Iraq

TP - Chỉ một ngày sau khi quân Mỹ rút về nước, Thủ tướng Nuri al-Maliki người Shiite phát lệnh truy nã Phó Tổng thống Tariq al-Hashemi người Sunni mở đầu cho vòng xoáy xung đột giữa các cộng đồng người Sunni, người Shiite và người Kurd.
Phó Tổng thống Tariq al-Hashemi bị truy nã

> Phó tổng thống Iraq bị bắt vì liên quan khủng bố

Đồng thời ông Nuri al-Maliki còn tìm cách gạt bỏ người phó của mình là Phó Thủ tướng Saleh al-Mutlaq sau khi ông này so sánh ông Al-Maliki với cựu tổng thống Saddam Hussen.

Những động thái nói trên của ông Al-Maliki đã làm chao đảo nền hoà bình giữa các cộng đồng sắc tộc ở Iraq mà người Mỹ phải vất vả lắm mới thiết lập được sau cuộc bầu cử Nghị viện năm 2010.

Người Sunni chiếm tới một phần ba dân số Iraq và giờ đây nỗi bất bình của họ hướng vào Thủ tướng Al-Maliki. Sau khi vội vã chạy lên miền bắc, tới khu tự trị người Kurd là nơi vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền trung ương, ông Tariq al-Hashemi bác bỏ mọi lời buộc tội nhằm vào ông và tố cáo ông Al-Maliki sử dụng các cơ quan bảo vệ pháp luật vào việc tiêu diệt phe đối lập.

Quả thật trong vụ tố giác và truy nã Phó Tổng thống Al Hashemi có nhiều điểm lạ lùng. Thứ nhất, lời cáo buộc ông Al-Hashemi âm mưu hoạt động khủng bố là dựa trên lời khai của 3 vệ sĩ của ông này, một điều chẳng khó gì đạt được trong các cuộc thẩm vấn. Thứ hai, việc chọn lựa thời điểm đưa ra lời tố giác đó không phù hợp vì nó diễn ra ngay sau ngày quân đội Mỹ rút về nước.

Do đó, vụ việc rất dễ bị cho là nhằm thanh toán các nhân vật đối lập. Mối nghi ngờ này không phải không có cơ sở bởi vì trước đây ông Al-Maliki đã từng có tiền lệ sử dụng toà án để đấu tranh với các đối thủ.

Thật vậy, vào năm 2009, trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện, hàng loạt lời buộc tội đã được đưa ra nhằm chống lại nhiều nhân vật nổi tiếng bất đồng quan điểm với ông.

Tâm trạng bất bình của cộng đồng người Sunni không phải vì vụ ông Al-Hashemi bị truy nã mới bùng phát. Lâu nay, đại đa số người Sunni vẫn tin rằng Thủ tướng Al-Maliki vốn là người Shiite nên muốn biến người Sunni thành “công dân loại hai”, không cho họ tham gia sinh hoạt chính trị của đất nước (hệt như trước kia Saddam Hussen đã từng làm đối với người Shiite).

Họ còn nghi ngờ Thủ tướng Al-Maliki mưu toan thiết lập chế độ độc tài sau khi người Mỹ rút đi. Bằng cớ là ông Al-Maliki đã không thực hiện lời hứa khi thành lập chính phủ là sẽ chia sẻ quyền hành bằng cách thành lập Hội đồng Chính trị chiến lược mà người đứng đầu sẽ là một chính khách người Sunni.

Ngọc Thoa
Theo Nezavisimaya gazeta

Theo Báo giấy