Cụ thể, giá các loại sữa nguyên liệu tăng từ 8% đến 22%, dầu diezel tăng tới 36%, chi phí nhân lực tăng 11%, giá điện tăng 5%. Trưởng phòng đối ngoại của Nestlé Việt Nam Vũ Quốc Tuấn cũng cho biết vừa tăng giá bán dòng sản phẩm Lactogen lên khoảng 10%. Theo kế hoạch, trong 1-2 tháng tới, công ty này sẽ tăng giá bán một số dòng sản phẩm khác do các yếu tố chi phí đầu vào của các sản phẩm bị đẩy lên khá cao.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Cổ phần Sữa quốc tế (IDP) Nguyễn Tuấn Khải thông tin: Hiện, sữa tươi mua từ người nông dân ở mức 12.250 đồng/lít. Tính cả công vận chuyển về nhà máy giá lên tới 13.100 đồng, chưa tính 10% VAT. Vì vậy sức ép tăng giá với IDP rất lớn. Tuy nhiên, trong thời gian tới Cty chưa tính đến việc tăng giá bán nhằm hỗ trợ người tiêu dùng.
“Năm ngoái, Cty mới tăng giá một lần với mức tăng 6,7%, nhưng tăng giá mua sữa cho nông dân tới 6 lần với tổng mức tăng tới 17,5%. Tới đây, Cty dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá mua sữa thêm vài trăm đồng/lít để hỗ trợ bà con nông dân”, ông Khải nói.
IDP cũng có kế hoạch tăng giá thời gian tới với mức từ 3%-4%/lần vào thời điểm thích hợp. Đại diện Hancofood cũng cho biết đang nghiên cứu phương án thay đổi giá bán trong tháng 3 hoặc muộn nhất là quý II với mức tăng dự kiến khoảng 5%.
Trước đó, ngày 23-1, Vinamilk tăng giá bán bình quân từ 5-7% cho các mặt hàng như sữa nước, sữa đặc, sữa bột... Với mức tăng này, giá sữa nước của Cty này tăng thêm 16.000 đồng/thùng, thành giá 258.000 đồng/thùng; sữa đặc có giá mới 687.000 đồng/thùng (48 lon)... Trong tháng 1, nhiều hãng sữa ngoại như Abbott, Mead Johnson... cũng tăng giá bán các sản phẩm với mức tăng dao động 5 - 10%.
Ông Nguyễn Mười, chủ cửa hàng sữa Nguyễn Mười (TPHCM, cho rằng hầu hết hãng sữa viện cớ để tăng giá trong đợt này đều không hợp lý.
“Cụ thể như nhãn hàng Enlene, từ năm ngoái đến nay, hãng này đã có ít nhất là 3 lần tăng giá và mỗi lần tăng ít nhất 7 - 9%”, ông nói, theo ông Mười, Abbott cũng là một hãng sữa thường xuyên tăng giá trong năm qua, mỗi lần tăng từ 7 – 20%. Sản phẩm sữa bột dành cho bệnh nhân bị tiểu đường Glucerna cách đây một năm giá trên dưới 200.000 đồng/hộp, nhưng nay giá bán lẻ xấp xỉ 300.000 đồng/hộp, ông nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ tại quận 3, TPHCM) nói: “Trước Tết, tôi mua cho con tôi một hộp sữa tươi Milo trọng lượng 200 ml giá chỉ có 5.000 đồng, nhưng nay tôi mua đến 7.000 đồng/hộp. Không biết mức tăng cụ thể từ nhà cung cấp của sản phẩm này như thế nào, nhưng theo tôi giá mới của sản phẩm này khó chấp nhận”.