Nhiều "chùm" cúm mới

TP - Trong khi ổ dịch cúm A/H1N1 ở trường Ngô Thời Nhiệm chưa được khống chế thì ở trường ĐH quốc tế RMIT lại dấy lên mối lo khi sinh viên trường này bị mắc cúm A/H1N1 và đã tiếp xúc với khá nhiều người.

Nguy cơ cúm A/H1N1 ở hai chùm cúm tại ấp Việt Kiều (Xuân Hiệp, Xuân Lộc, Đồng Nai) và trường tư thục Ngô Thời Nhiệm ở TPHCM còn lây lan rộng khi có thông tin học sinh nhiễm cúm đã đi trên chuyến xe buýt từ Đồng Nai về TPHCM.

Chiều 22/7, đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng Tỉnh Đồng Nai cho biết, vẫn chưa tìm ra chuyến xe buýt chở P.M. Đạt - học sinh trường Ngô Thời Nhiệm bị nhiễm cúm sau đó lây lan cho học sinh tại trường trong chuyến đi từ Đồng Nai lên quận 9, TPHCM.

Ngày 15/7, Đạt về quê ở ấp Việt Kiều và tiếp xúc với những đối tượng nhiễm cúm ở đây rồi dính bệnh. Khi trở lại trường, virus cúm lây từ Đạt sang hàng chục học sinh khác với tốc độ nhanh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nếu bệnh nhân lây lan cúm cho những người đi trên cùng chuyến xe thì rất nguy hiểm, bởi số người này vẫn không hề hay biết mình mắc cúm và từ đó tiếp xúc với người khác rồi tiếp tục lây lan ra cho cộng đồng.

Không chỉ tại trường Ngô Thời Nhiệm, hôm 22/7, các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ghi nhận học sinh của trường này tiếp xúc với bệnh nhân cúm khi về quê và mắc cúm.

Trước khi biết mình mắc cúm A/H1N1, số học sinh này đã tiếp xúc với quá nhiều người ở cộng đồng khi từ trường học về nhà ở các tỉnh.

ĐH RMIT: Sinh viên vô tư với cúm

Để khống chế dịch lây lan ra cộng đồng, hôm qua, Cục Y tế Dự phòng & Môi trường có công văn gửi các tỉnh giám sát chặt 972 học sinh đang học hè tại trường Ngô Thời Nhiệm, nơi đang xảy ra ổ dịch cúm, trong đó ở TPHCM có 242 học sinh.

Theo bà Trần Huỳnh Nhã Trân - Trưởng phòng truyền thông của Trường Đại học RMIT, sinh viên của trường mắc cúm A/H1N1 đang học ngành thương mại. Trong lớp học của sinh viên này có 25 em.

“Sau khi có thông tin sinh viên mắc cúm A/H1N1, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM về điều tra dịch tễ, làm việc với nhà trường. Chúng tôi liên lạc với số sinh viên cùng lớp về ca mắc cúm để các em tự giám sát sức khỏe và nếu có biểu hiện bệnh phải báo ngay cho nhà trường” - bà Trân nói.

Hiện tại, ngành chức năng vẫn chưa có thông tin chính thức có ngưng hoạt động giảng dạy hay không, bà Trân cho biết thêm. Tuy nhiên, nhà trường đã triển khai công tác dự phòng cúm A/H1N1 bằng việc thông báo cho toàn thể sinh viên biết ca mắc cúm đầu tiên của trường.

Ngoài ra, khu vực nhà trường thường xuyên lau dọn, kể cả sát khuẩn khu vực nhà vệ sinh. Đồng thời, phòng y tế của nhà trường cũng được yêu cầu túc trực bác sĩ để khám sức khỏe và tư vấn về dịch cúm A/H1N1 cho sinh viên.

Nhà trường cũng thành lập ban chỉ đạo phòng chống cúm A/H1N1 làm đầu mối liên hệ với Trung tâm Y tế Dự phòng quận 7. Theo bà Trân,  trường sẽ tổ chức các buổi nói chuyện về dịch cúm A/H1N1 cho sinh viên.

Thực tế là vậy nhưng, sáng 22/7, phóng viên Tiền Phong có mặt tại trường Đại học RMIT, thấy chuyện sinh viên ở trường này mắc cúm như không hề xảy ra.

Hàng chục sinh viên của trường RMIT ngồi trong căng tin ăn uống, trò chuyện rôm rả; khu vực ngoài sân không thấy có sinh viên mang khẩu trang chống cúm. Một bảo vệ ở trường này thậm chí còn hỏi phóng viên cúm A/H1N1 là gì, có nguy hiểm không.