Theo ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện của Văn phòng JETRO tại Hà Nội, với mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, Việt Nam tiếp tục cần sự hỗ trợ của đối tác Nhật Bản.
Hiện Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất từ Nhật Bản, trong đó 70% được sử dụng cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện lực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Với gần 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, JETRO cam kết tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ PVN thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm từ các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho PVN giới thiệu các dự án để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tổng Giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cho biết: Từ nay đến năm 2015, PVN cần tới 40 tỷ USD để triển khai một loạt các dự án đầu tư quan trọng, quyết định tốc độ tăng trưởng của PVN như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành dầu khí. Để đảm bảo thu xếp đủ nhu cầu vốn đầu tư, bên cạnh nguồn vốn tự có, PVN đang tìm kiếm sự hợp tác đầu tư về tài chính, kỹ thuật, công nghệ với Nhật Bản trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn gồm: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Đại diện PVN cho biết: PVN đang triển khai 9 dự án đầu tư lớn, có hiệu quả kinh tế, quyết định sự tăng trưởng của PVN trong thời gian tới, cũng như đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Theo đó, phía Nhật Bản có thể mua tới 49% cổ phần tại 8 dự án gồm: Dự án kho chứa khí thiên nhiên LNG1 MTPA Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) với tổng mức đầu tư 246 triệu USD; dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai) với tổng mức đầu tư 322 triệu USD; dự án nhiệt điện than Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh) công suất 1.200 MW với tổng mức đầu tư gần 160 triệu USD; nhiệt điện than Long Phú 1 (Sóc Trăng), công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư gần 160 triệu USD; dự án Thủy điện Hủa Na (Nghệ An) công suất 180 MW với tổng mức đầu tư 288 triệu USD; dự án điện gió Hòa Thắng 1 (Bình Thuận) công suất 49,5MW với tổng vốn đầu tư 83 triệu USD; dự án cảng biển Dung Quất Shipyard (Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư 749,15 triệu USD; dự án cảng Phước An (Đồng Nai) có tổng vốn đầu tư 979 triệu USD. Riêng dự án sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng), đối tác Nhật Bản có thể mua 20% cổ phần.
Giải đáp băn khoăn của các nhà đầu tư Nhật Bản xoay quanh các cơ chế ưu đãi đầu tư vào các dự án dầu khí, Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Tiến Dũng chỉ rõ: Việc đầu tư vào các dự án của ngành dầu khí sẽ nảy sinh khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng PVN cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư Nhật Bản để kịp thời giải quyết cũng như có các kiến nghị cụ thể lên Chính phủ xem xét tháo gỡ kịp thời. Cụ thể, tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), PVN đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn liên quan đến ngoại tệ, bảo lãnh, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho dự án… đáp ứng mong muốn của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Ông Dũng cũng cho biết: Có những kiến nghị của các nhà đầu tư mà Chính phủ không thể hỗ trợ giải quyết được vì không phù hợp với tình hình thực tế như đảm bảo chuyển đổi tiền đồng sang ngoại tệ cho các nhà đầu tư.
Về yêu cầu bảo lãnh tín dụng với các dự án quy mô lớn, mặc dù các dự án này đều được Chính phủ xem xét cấp bảo lãnh tín dụng nhưng quan điểm của PVN là cố gắng huy động vốn với sự bảo lãnh ít nhất của Chính phủ.
Đại diện PVN cũng khẳng định: Đến nay, PVN chưa có văn bản cụ thể nào quy định tiêu chí lựa chọn đối tác ưu tiên kêu gọi đầu tư nhưng tiêu chí chung vẫn là nhà đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu cần thiết về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm triển khai dự án (công nghệ) cũng như ưu tiên hơn với các nhà đầu tư đã có quan hệ tốt trong đầu tư tại Việt Nam.
Theo Kim Anh
Tin tức