'Nhà mạng' thận trọng với 4G

TP - Viettel vừa thử nghiệm thành công công nghệ 4G, mở ra cơ hội lớn cho khách hàng tiếp cận công nghệ mới siêu nhanh. Tuy nhiên, các nhà mạng tỏ ra thận trọng khi triển khai công nghệ này.
Với công nghệ 4G, người dùng di động có thể download một bộ phim chỉ trong 5-6 giây và gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây

> Viettel thử nghiệm thành công công nghệ 4G

Với công nghệ 4G, người dùng di động có thể download một bộ phim
chỉ trong 5-6 giây và gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây.

Chỉ phát triển khi thiết bị đầu cuối rẻ

Năm dịch vụ đặc trưng và phổ biến của 4G được Viettel thử nghiệm thành công gồm: Video Streaming, LiveTV, HD Video Call, Video Conference, VoD-TvoD. Theo ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom, tiến lên 4G là xu thế tất yếu.

Thống kê cho thấy, lưu lượng sử dụng bình quân của Dcom 3G tương đương 60% so với thuê bao ADSL. Hiện Viettel cung cấp 18 dịch vụ gia tăng trên nền 3G với các dịch vụ hút khách chủ yếu là Mobile TV, Imuzik 3G, Pixshare, Yahoo Chat…

Lãnh đạo Viettel cho rằng, việc phát triển 3G tuy có chậm hơn 2G nhưng cũng mang lại doanh thu nhất định trên hạ tầng mạng lưới. Khi chuyển đổi công nghệ, nhà mạng phải đầu tư rất lớn để chuyển đổi hạ tầng công nghệ và phải có lộ trình.

Vì vậy, việc kinh doanh phải tập trung vào bán năng lực hạ tầng mình có và đưa các ứng dụng dịch vụ mới để người dùng thấy đây là nhu cầu thực sự.

“Như vậy bài toán giữa đầu tư và nhu cầu người dùng sẽ dần được giải quyết” - Ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Viettel Telecom, thiết bị đầu cuối là thành tố quan trọng trong việc sử dụng dịch vụ của nhà mạng. Thống kê cho thấy chi phí cho phần thiết bị đầu cuối thường chiếm đến 80% trong tổng chi phí dịch vụ của nhà mạng. Thiết bị đầu cuối của 4G khá cao, từ 300 USD đến hơn 400 USD, trong khi một máy điện thoại 2G rẻ nhất chỉ 10 - 20 USD còn giá máy cho 3G là 50 - 60 USD.

“Với công nghệ và thiết bị tiếp tục phát triển, đặc biệt công nghệ chip, hy vọng giá các thiết bị sẽ hạ xuống. Có thể đến 2014-2015, giá các thiết bị đầu cuối 4G sẽ tương đương với thiết bị 3G hiện nay. Tuy nhiên, dự báo vẫn là dự báo vì cuối cùng vẫn là bài toán nhu cầu thị trường. Nhu cầu lớn, thiết bị sẽ rẻ” - Ông Dũng nói.

4G - Phải sau năm 2015

Đại diện một nhà mạng đối thủ của Viettel cho biết, đầu tư cung cấp dịch vụ 4G rất lớn, ít nhất 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Còn nếu muốn mở rộng vùng phủ sóng trên toàn quốc như cung cấp dịch vụ 2G và 3G, số tiền đầu tư có thể lên tới 7.000 tỷ đồng.

Theo vị này, thị trường di động hiện ở thế “chân vạc” với hơn 90% thị phần - khoảng trên 100 triệu thuê bao nằm trong tay ba nhà mạng chính là MobiFone, VinaPhone và Viettel. Số thuê bao 3G năm 2010 của các nhà mạng cộng lại đạt khoảng 8 triệu và dự báo có thể lên 12 triệu vào cuối năm 2011.

Thị trường hiện nay đang có xu hướng bão hòa do các mạng không có nhiều dịch vụ mới đủ sức kích thích thị trường. Công nghệ 3G cho phép truy cập Internet không dây và các cuộc gọi có hình nhưng vẫn chưa thực sự được mở rộng. Nguồn thu từ các dịch vụ 3G cũng chưa đáng kể so với tổng số tiền các nhà mạng bỏ ra để đầu tư cung cấp 3G.

“Do cạnh tranh khốc liệt và nhu cầu sử dụng dịch vụ 3G của người dùng cũng chưa thật sự cao nên việc triển khai thử nghiệm 4G cũng cần phải rất thận trọng. Hiện trên thế giới chỉ có 17 nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G nên cũng rất khó nói trước điều gì sẽ xảy ra”- Ông nói.

Cũng theo ông này, hiện doanh thu của các nhà mạng chủ yếu vẫn là từ 2G. Dù cước phí sử dụng hằng tháng của mạng 3G cũng không đắt hơn nhiều nhưng do tốc độ đường truyền chưa cao, hình ảnh bị giật cộng với thói quen sử dụng mạng 2G nên đến nay vẫn chỉ có một số ít người dùng 3G. Hiện nguồn thu từ 3G của các nhà mạng chỉ chiếm khoảng 3%, còn lại là từ các dịch vụ truyền thống là gọi điện và tin nhắn.

Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), 4G là chữ viết tắt của Fourth Generation: Điện thoại di động thế hệ thứ 4 của công nghệ truyền thông không dây.

Công nghệ 4G, về lý thuyết, có khả năng cung cấp kết nối có tốc độ lên tới 100 Mb/giây, nhanh hơn hàng chục lần so với tốc độ của mạng 3G hiện nay, thậm chí là 1 Gb/s trong các điều kiện tĩnh. Ở tốc độ truyền cao nhất, người dùng có thể download một bộ phim chỉ trong 5-6 giây và gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây.

 
Theo Báo giấy