Người soạn ‘sách đỏ’ đánh B-52 đã ra đi…

Trung tướng Vũ Xuân Vinh, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại BQP, một trong những cán bộ tham gia nghiên cứu, xây dựng tập tài liệu “Cách đánh B-52”, mà cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Tên lửa thời bấy giờ gọi là “Cuốn sách đỏ”, hay “Cẩm nang bìa đỏ”… đã về cõi vĩnh hằng!
Trung tướng Vũ Xuân Vinh (thứ 5 từ phải sang) cùng một số bạn quốc tế đến thăm đơn vị phòng không, tháng 7-1992. Ảnh do gia đình cung cấp.

Mới đây, ông còn tham gia Hội thảo khoa học “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”: Tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam; ông có mặt ở nhiều cuộc giao lưu, tọa đàm, gặp mặt truyền thống… và luôn sôi nổi kể về chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972... Tuổi cao, nhưng ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, vậy mà ông đột ngột ra đi, để lại bao niềm tiếc thương đối với gia đình, dòng họ, quê hương, bạn bè, đồng chí, đồng đội, bà con xóm phố…

Chúng tôi tìm gặp Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân, từng nhiều năm công tác cùng Trung tướng Vũ Xuân Vinh, cùng trực chỉ huy trong những ngày máy bay B-52 của Mỹ ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng. Ông rất xúc động khi nghe tin người bạn, người đồng đội thân thiết, tận tụy đã ra đi. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu bồi hồi nhớ lại:

- Ngày anh Vũ Xuân Vinh về nhận công tác ở Quân chủng Phòng không-Không quân, tôi nhận giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng và giới thiệu anh về sinh hoạt tại Chi bộ Phòng Tác chiến. Tôi biết anh Vinh khi anh là Phó tham mưu trưởng Binh chủng Tên lửa. Anh rất chịu khó nghiên cứu, tìm tòi về tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tên lửa; nghiên cứu cách đánh, phương thức tác chiến của tên lửa để đạt hiệu suất chiến đấu cao.

Là cán bộ được đào tạo ở Liên Xô về chuyên ngành tên lửa - pháo binh, khi chuyển sang công tác nghiên cứu, quản lý và chỉ đạo ngành thuộc lĩnh vực tên lửa phòng không, anh Vinh rất chịu khó học hỏi, cầu tiến bộ, nên nhanh chóng nắm bắt thuần thục lĩnh vực chuyên môn mới. Trên cương vị Phó Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến tên lửa, anh có trình độ chuyên môn tốt, tính tình hòa nhã, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao...

Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, tháng 4-1972, khi Không quân Mỹ đưa máy bay B-52 ra đánh phá Quảng Bình, Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng... các đơn vị tên lửa của ta đã vào tận miền Trung nghiên cứu, phục kích, nhưng chưa bắn rơi chiếc máy bay B-52 nào... Thế rồi đồng chí Vũ Xuân Vinh được Bộ tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ thành lập và phụ trách Tổ nghiên cứu cách đánh máy bay B-52 và huấn luyện tên lửa phòng không, gồm nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm.

Nhiệm vụ rất khẩn trương; tổ còn tranh thủ ý kiến của các chuyên gia Liên Xô và các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng; trực tiếp xuống các trung đoàn tên lửa ở Quân khu 4 để nghiên cứu; tiếp cận các tài liệu của Bộ, của chuyên gia Liên Xô, tài liệu thu được của địch, cùng lời khai của các phi công Mỹ mà ta bắt được. Tập hợp những dữ liệu ấy, Tổ nghiên cứu biên soạn thành tập tài liệu “Cách đánh B-52”, dày 30 trang, in rô-nê-ô.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu nhớ lại: Khi tài liệu viết xong, anh Vinh đưa cho tôi xem. Tôi đóng góp thêm một số ý kiến. Tập tài liệu tiếp tục được đưa ra Thường vụ Đảng ủy Quân chủng và Bộ tư lệnh xem xét, bổ sung và thông qua, in ấn nhân bản gửi xuống tận các tiểu đoàn tên lửa để bộ đội nghiên cứu, học tập, vận dụng.

Ngày 22-11-1972, hai Tiểu đoàn 43 và 44 của Trung đoàn 262 đã bắn rơi máy bay B-52 (rơi ở biên giới Lào - Thái Lan). Kết quả áp dụng thực tế thành công, Bộ tư lệnh Quân chủng tiếp tục giao đồng chí Vinh phụ trách đoàn cán bộ đến huấn luyện bổ sung cho các đơn vị tên lửa bảo vệ Hà Nội. Cuốn tài liệu “Cách đánh B-52” có giá trị khoa học, thực tiễn, thể hiện tính dân chủ, sáng tạo, trí tuệ tập thể, song có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí Vũ Xuân Vinh.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu kể: “Ngày 18-12-1972, tôi cùng trực ở Sở chỉ huy Quân chủng với các anh Nguyễn Quang Bích, Vũ Xuân Vinh. Đêm mở đầu chiến dịch tập kích, Mỹ cho B-52 vào đánh phá các sân bay Hòa Lạc, Nội Bài và nhiều vị trí khác. 6 tiểu đoàn tên lửa của ta đều phóng đạn, nhưng chưa bắn rơi tại chỗ máy bay B-52. Đồng chí Vũ Xuân Vinh đề nghị Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng cho bộ đội tiếp tục mở máy, bắt sóng, bình tĩnh, dũng cảm, vận dụng những kỹ năng đã được huấn luyện, quyết bắn rơi tại chỗ máy bay B-52. Đúng như vậy, lúc hơn 20 giờ ngày 18-12-1972 và rạng sáng 19-12-1972, Bộ đội Tên lửa đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc B-52…”.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, năm 1976, Trung tướng Vũ Xuân Vinh lại gắn bó với môi trường mới khi được giao giữ chức Trưởng khoa Phòng không (Học viện Quốc phòng hiện nay) góp phần tích cực đào tạo nhiều cán bộ phòng không ưu tú bổ sung cho các đơn vị toàn quân. Đặc biệt, 15 năm liên tục, ông đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Liên lạc đối ngoại (nay là Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng). Ông đã cùng tập thể Đảng ủy, Thủ trưởng Cục lãnh đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ đối ngoại quân sự, góp phần củng cố tình hữu nghị với các nước XHCN anh em và mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cùng hoạt động đối ngoại của cả nước khẳng định, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ khi nghỉ hưu (năm 1995), Trung tướng Vũ Xuân Vinh vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh, là Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông Dương Ngọc Văn, Phó bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố bộc bạch: Là một vị tướng, có nhiều đóng góp cho quân đội và cách mạng, nhưng bác Vinh sống rất giản dị, đời thường, có nghĩa tình, tích cực tham gia các phong trào của khu phố; giáo dục, động viên con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, được bà con khối phố yêu mến, kính trọng...

Nhiều bạn bè, đồng chí, đồng đội… đã hẹn gặp Trung tướng Vũ Xuân Vinh tại Lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tổ chức ngày 29-12, vậy mà ông đã đột ngột ra đi. 90 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, 49 năm công tác trong quân đội, trưởng thành từ người chiến sĩ đến khi là tướng lĩnh, cán bộ cao cấp trong quân đội, ông luôn thể hiện là một cán bộ nhân hậu, sâu sát quyết đoán trong công việc và luôn gần gũi, để lại hình ảnh tốt đẹp đối với anh em, đồng chí, đồng đội, bạn bè; được Đảng, Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng cuốn cẩm nang bìa đỏ "Cách đánh B-52"- một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lịch sử và truyền thống của bộ đội Phòng không-Không quân Việt Nam.

Theo Quân đội nhân dân

Theo Đăng lại