> Sao Mai Điểm Hẹn Gala 1: Nữ 'rớt đài' hết
Trước những luồng ý kiến cho rằng nên “dẹp” SMĐH vì sự cũ kĩ, lỗi thời để nhường đất cho những cuộc thi mua bản quyền từ phương Tây, không ít người đã phản ứng mạnh mẽ để bảo vệ sân chơi, “lò” đào tạo ca sĩ này.
Khán giả ít khi được ngạc nhiên
Nếu như trước đây, SMĐH là một thỏi nam châm đối với khán giả, làng ca nhạc và báo giới, thì nay, sức hút giảm nhiệt hẳn, nếu không muốn nói là quá lép vế so với những chương trình tìm kiếm giọng hát khác như: Vietnam Idol, The Voice.
Ngoài ra, nó cũng chưa được quan tâm nhiều như Vietnam’s Got Talent. Chung cảnh chợ chiều với SMĐH là một số cuộc thi đã cũ kĩ như Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình (Đài TH TP.HCM), Tiếng hát mùa thu (Đài PTTH Hà Nội).
BTC cũng nên đặt câu hỏi vì sao thời gian gần đây, chương trình mất “thiêng” đến vậy, khi mà những Hoàng Nghiệp, Duy Khoa, Minh Chuyên, Lương Viết Quang… quá nhạt nhòa .
Ra đời từ năm 2004 trên kênh VTV3, tới nay, cứ hai năm một lần, SMĐH lại quy tụ được những giọng hát nổi bật, chủ yếu đến từ các trường nghệ thuật như Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TPHCM, ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội… Rất ít những cơn gió lạ nào có thể làm nên chuyện như trường hợp của Hà Anh Tuấn, Hà Linh.
Cũng vì xuất phát na ná nhau, cùng được đào tạo kiểu kinh viện, nên việc đãi cát tìm giọng hát cá tính là một hành trình cực kì khó khăn, bởi không phải lúc nào cũng có được những Tùng Dương, Ngọc Khuê, Ngọc Anh… Format (định dạng) chương trình sau nhiều năm ít có sự biến đổi đáng kể, vẫn chia thành hai vòng với các đêm thi, 3 giám khảo lần lượt nhận xét. Hầu như không có sự kịch tính, nếu có, chỉ là đến từ sự nghi ngờ về tính minh bạch của cuộc thi ở những mùa thi gần đây.
Việc các giám khảo ngày càng lựa chọn những từ ngữ ít động chạm nhất để nhận xét thí sinh khiến chương trình ngày càng nhạt. Chất lượng thí sinh đi xuống, nhất là vào mùa giải 2008, 2010.
Năm nay, ba người ngồi ghế nóng là Tùng Dương, Nguyễn Hải Phong và Phan Huyền Thư chưa tạo ấn tượng, chưa đủ cái “uy” với thí sinh và khán giả.
Nếu như Vietnam Idol biến đổi người tham gia từ zero đến hero (từ số 0 tới anh hùng), thì ít thấy sự lột xác trong SMĐH. Tiếng hát Việt (The Voice) mới phát sóng số đầu, nhưng đã tạo ít nhất vài tình huống “thót tim” trong mỗi phần thi giấu mặt.
Đó là khi thí sinh hát cộng hưởng với khán giả, người nhà hồi hộp theo dõi qua màn hình trực tiếp, giám khảo bấm chuông quay ghế để nhìn mặt người hát, giám khảo tranh cãi, thí sinh chọn huấn luyện viên…
Còn SMĐH: đều đều từ đầu đến cuối. Hiếm khi khán giả SMĐH được gây kinh ngạc. BTC luôn hướng đến một đẳng cấp, chất lượng trong giọng hát, nhưng vô hình vo tròn thí sinh trong rào cản định sẵn.
Sân chơi đã hết thời?
Người “mạnh mồm” bảo dẹp, thì bị cho là bội bạc, phủ nhận giá trị của cuộc thi, không giữ gìn những chương trình tạo thương hiệu cho Việt Nam.
Quả thực, nhờ SMĐH, một lứa ca sĩ đã khẳng định được tên tuổi của làng nhạc Việt như Tùng Dương, Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Anh, Lưu Hương Giang, Thái Thùy Linh, Phương Linh, Hoàng Hải… Nhưng BTC cũng nên đặt câu hỏi vì sao thời gian gần đây, chương trình mất “thiêng” đến vậy, khi mà những Hoàng Nghiệp, Duy Khoa, Minh Chuyên, Lương Viết Quang… quá nhạt nhòa.
Năm 2010, Vietnam Idol ung dung qua mặt SMĐH khi ít nhất có hai cái tên được thường xuyên nhắc tới và được đề cử vào một số giải thưởng, đó là Uyên Linh và Văn Mai Hương.
Chặng đường nào cũng đến hồi kết, không ai có thể đi mãi một con đường. Còn nhớ cuộc thi Đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc đình đám vào những năm 1989 – 1991 giờ đây cũng lùi sâu vào dĩ vãng, chỉ còn là những kỉ niệm đẹp để người ta nhắc đến nó.
Cuộc thi đã tìm ra những giọng ca mà đến nay, ít ai vượt qua nổi, đó là Ngọc Sơn, Ngọc Thúy (1989), Thanh Lam, Thùy Dung, Y Moan (1991).
Tiếc nuối một thời, ông bầu Trần Bình, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc nhẹ T.Ư nhiều lần muốn tái khởi động cuộc thi. Nhưng rồi chưa tìm được Mạnh thường quân, chưa nghĩ ra được format mới ưu việt hơn những cuộc thi hiện có… hẳn ông Trần Bình cũng hiểu nó sẽ về đâu trong thời buổi nở rộ thi hát này.
Đấy là nói về thời, thế. Còn nói về sự chăm chút, nhà đài cũng thua các đơn vị xã hội hóa rất nhiều. Thí sinh của Vietnam Idol, The Voice thấy mình được coi trọng, được lắng nghe, tư vấn kĩ lưỡng và được đi từng bước: từ hát chay, hát với một nhạc cụ (piano), đến hát với cả dàn nhạc; họ được làm quen từ sân khấu nhỏ rồi mới bước ra sân khấu lớn.
Còn SMĐH thì sao? Họ bị ép phải làm ca sĩ ngay từ khi dự thi, dù có thể mới đi hát ở phong trào đoàn, quán cafe. Họ bị buộc phải giỏi ngay vũ đạo, kĩ thuật thanh nhạc, gu thẩm mỹ và bị đẩy thẳng ra sân khấu lớn mà chưa kịp thích nghi. Không ít phải gồng mình lên cho xứng với cái áo quá lớn. Vì thế, người xem mệt mỏi.
Rồi, thế mạnh của cuộc thi là khả năng sàng lọc để chọn thí sinh có chất lượng, nay quyền đó thuộc về khán giả giấu mặt, mà chả ai biết là ai, thông qua lượng tin nhắn không được công khai.
Liệu không có SMĐH thì không có những giọng ca xuất sắc hay không, hoặc biết đâu, họ sẽ tỏa sáng hơn nữa nếu dự những cuộc thi khác? Có những cuộc thi hát doanh thu quảng cáo 3 - 5 tỷ đồng mỗi tối, nhưng lại có những chương trình phải chịu lỗ là chuyện đương nhiên.
Nhưng điều đáng quan tâm là có những đêm thi, người ta bàn tán rôm rả khắp nơi, từ mạng xã hội, tới cuộc sống đời thường, ngược lại, có những chương trình, chả mấy ai nhắc đến, hoặc chủ yếu là chê bai.
Tâm huyết, công sức của ekip làm chương trình là điều vô cùng trân trọng, nhưng đây là thời điểm SMĐH buộc phải “thay máu”, nếu không, chương trình sẽ vẫn phải phát sóng ở VTV2-VTV4 và VTV6 như hiện giờ, hoặc thậm chí còn tệ hơn: sẽ dần bị rơi vào quên lãng.