Người dân tiếp tục đổ về khu vườn kỳ lạ ở Long An

Trong lúc chờ các nhà khoa học đưa ra kết luận chính xác về khu vườn lạ ở Long An, hàng ngàn người vẫn tiếp tục đổ về đây khiến tình hình an ninh diễn ra hết sức phức tạp.

Ngày chủ nhật 8/5, tôi lại đến “khu vườn kỳ lạ” của vợ chồng ông Sống, bà Ngoan tại số 370 ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng (Đức Hòa, Long An). Theo con đường nhựa chừng cây số từ thị trấn Hậu Nghĩa, chớm ngoài xa đã thấy ô tô đậu rải rác bên đường.

Càng vào càng thấy nhiều ô tô. Rồi trước mắt tôi hiện ra một bãi xe hàng trăm chiếc ô tô, hàng nghìn chiếc xe máy cùng dòng người đông nghịt chen vai thích cánh.

Bãi đất ấy trước đây là ruộng lúa ngăn cách con đường nhựa với khu vườn. Nay ruộng lúa đã thành bãi đất cao, từ 4 phía đều có thể chạy xe vào khu vườn.

Tuy nhiên, xe không chạy được là bởi người quá đông, theo một dự đoán, có ngày lên đến vài ngàn người. Cùng với việc giữ xe, bà con xung quanh khu vườn mở cơ sở nhà trọ, cửa hàng bán thức ăn, nước uống, bánh trái, hàng bách hóa… Việc buôn bán phát triển rất nhanh theo dòng người kéo đến khu vườn ngày một đông.

Tuy nhiên, vì số lượng người đến quá đông, bên cạnh các hộ mở cơ sở kinh doanh có đăng ký thì cũng xuất hiện rất nhiều người buôn bán tự phát làm cho tình hình an ninh trật tự và vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường phức tạp. Cả đoạn đường đi vào khu vườn nhao nhác tiếng mời chào ăn uống, mua bán rất ồn ào.

Trật tự an ninh ở đây hoàn toàn còn do sự tự quản và tự giác của mọi người, chưa thể dự đoán điều gì khi xảy ra sự cố và mùa mưa tới nếu chính quyền địa phương không khẩn trương đứng ra quản lý trật tự, vệ sinh ở đây.

Có người ví cả khu vực này hiện như một cái chợ kiêm bến xe liên tỉnh dã chiến không có người quản lý. Chộn rộn náo nhiệt từ sáng sớm đến chập tối, dù khu vườn chỉ mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối thì xung quanh lúc nào cũng đông đúc, tạo một sức ép rất lớn quanh khu vườn.

Nhưng khu vườn hiện còn khá yên lành nhờ có bờ tre bao bọc 4 phía. Khu vườn này rộng xấp xỉ 2.000 m2 xung quanh trồng tre, kế tiếp là hào sâu do gia chủ đào để ngăn rễ tre bảo vệ cây ăn trái bên trong, nay có tác dụng bảo vệ khu vườn tránh được dòng người tràn từ 4 hướng.

Vào khu vườn chỉ có thể đi từ cổng chính. Tôi chen chân trong dòng người nghìn nghịt, lách lỏi qua hàng quán ồn ào, lọt vào khu vườn bỗng tiếp xúc với một không gian khác, trật tự và bình yên hơn bên ngoài.

Khu vườn nhìn từ xa

Người cũng rất đông, vai sát vai đứng hoặc ngồi song ai nấy cố giữ yên lặng, trầm tư đuổi theo niềm mong mỏi lành căn bệnh nào đó. Mọi người nhường nhịn nhau, cố thu mình lại tìm chỗ đứng ngồi có thể và đều sẵn sàng giúp đỡ nhau theo khả năng. Hầu như không ai mang theo thức ăn vào khu vườn…

Bà con đứng hay ngồi đều hướng về căn nhà tình nghĩa xây giữa khu vườn. Họ rất muốn vào bên trong nhưng cửa khóa. Tôi hỏi ông Sống: Sao không mở cửa cho bà con vào?

Ông Sống bảo: “Nếu mở cửa, bà con sẽ chen vào cả cửa trước và cửa sau, nhà thì nhỏ, xô đẩy giẫm đạp nguy hiểm lắm”. Ngôi nhà tình nghĩa xây cuối năm 2002, từ ngày khánh thành đến nay, hầu như gia đình ông Sống, bà Ngoan không được ở. Mấy năm trước người bệnh đến nằm trong đó suốt ngày đêm, năm nay thì đóng cửa.

Gia đình ông Sống, bà Ngoan vẫn chen chúc trong căn nhà cũ thấp nhỏ ở góc vườn. Năm trước, ông bà còn “làm chủ” được khoảnh sân giữa 2 căn nhà thông ra cổng, nay cũng đã bị người bốn phương đến chiếm lĩnh hoàn toàn. Ông bà phải chăng dây để giữ mảnh sân nhỏ xíu phía sau làm nơi sinh hoạt gia đình.

Có một nhóm phóng viên truyền hình địa phương đến phỏng vấn ông Sống, bà Ngoan. Các phóng viên hỏi: “Ông bà hiện mong muốn điều gì?”. Bà Ngoan nói ngay: “Mong được chính quyền địa phương quan tâm duy trì trật tự trong và ngoài khu vườn, nhất là bên ngoài. Bên trong thì gia đình tôi còn có thể nhắc nhở này nọ chứ bên ngoài thì bó tay, chúng tôi đi ra đi vô cũng khó khăn”.

Trong lúc các nhà khoa học đang khẩn trương làm việc để sớm có kết luận, rất cần chính quyền địa phương quan tâm  duy trì trật tự an ninh, và vệ sinh môi trường không để kẻ xấu lợi dụng.