TPO - Trà Vinh là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Nơi đây cũng có số lượng chùa Khmer hàng đầu với kiến trúc độc đáo, mang bản sắc văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Trà Vinh là tỉnh có hệ thống chùa Khmer đồ sộ, với gần 150 ngôi chùa lớn nhỏ trải khắp các địa phương trong tỉnh.
Với tuổi đời hàng trăm năm, mỗi ngôi chùa bên cạnh mang đậm bản sắc văn hóa Khmer còn có nét đặc trưng, độc đáo riêng.
Những ngôi chùa nổi tiếng ở Trà Vinh có thể kể đến như chùa Âng ở TP Trà Vinh, chùa Hang ở huyện Châu Thành, chùa Cò, chùa Vàm Say ở huyện Trà Cú...
Mỗi ngôi chùa thường có các hạng mục như cổng chùa, chánh điện, nhà tăng, nhà hội, giảng đường, tháp… Trong đó, chánh điện là nơi hội tụ về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đạt đến mức đỉnh cao của văn hóa Khmer.
Khuôn viên chùa Cò (còn gọi là chùa Giồng Lớn) ở xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Tên gọi chùa Cò xuất phát từ việc từng đàn cò thường hội tụ về đây.
Những chi tiết tinh xảo trên từng biểu tượng điêu khắc.
Chùa Khmer là công trình tôn giáo (Phật giáo Nam tông Khmer), chốn tâm linh và cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động đời sống tinh thần của đồng bào Khmer.
Đồng bào Khmer cũng là dân tộc thiểu số đông nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 1,1 triệu người, trong đó hai tỉnh nhiều nhất là Sóc Trăng và Trà Vinh.
Một điểm độc đáo của các ngôi chùa Khmer là ở tường thành bao quanh chùa có ghi tên từng người đóng góp ủng hộ xây dựng chùa.
Chùa là nơi diễn ra các sự kiện lớn trong năm của đồng bào Khmer như Tết cổ truyền đón năm mới Chol Thnam Thmay vào tháng 4; lễ Sen Dolta (cúng ông bà, mùa báo hiếu) vào tháng 8; lễ hội Ok Om Bok (cúng trăng) vào tháng 10...
Chùa Khmer cũng là nơi tô đẹp nét văn hóa, cảnh quan cùng thiên nhiên, là điểm du lịch không thể bỏ qua ở các địa phương có đồng bào Khmer sinh sống tại Đồng bằng sông Cửu Long.