Nghiện thuốc lá là một vấn đề y tế công cộng hàng đầu tại Việt Nam

TP - Nghiện thuốc lá là một trong những vấn đề y tế công cộng hàng đầu tại Việt Nam với những tác động không chỉ đến sức khỏe của người hút thuốc lá và hút thuốc thụ động mà còn ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội của quốc gia.

Nghiện thuốc lá không chỉ là một thói quen mà có bản chất là bệnh tâm thần. Theo phân loại bệnh tật quốc tế (ICD) của Tổ chức Y tế thế giới, nghiện nicotine trong thuốc lá là bệnh tâm thần với mã số bệnh tật F.17, phân loại chung nhóm với nghiện rượu, ma túy, các chất hướng thần khác; và không xa bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn dạng tâm thần phân liệt và các rối loạn khí sắc.

Khi nghiện thuốc lá, việc cai nghiện thuốc lá không dễ dàng với tỷ lệ thành công của tự cai nghiện thuốc lá thấp, thậm chí tỷ lệ thành công của tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá ngay lần đầu cũng không cao. Bởi vậy, nghiện thuốc lá cần phải được chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa theo đúng qui trình dành cho một bệnh tật đúng nghĩa chứ không chỉ là thay đổi một thói quen thông thường.

Theo số liệu điều tra toàn cầu năm 2015 (GATS) của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là 1 trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với tỷ lệ hút thuốc lá trên người trưởng thành trên 15 tuổi là 45,3% ở nam và 1,1% ở nữ. Riêng đối với nhóm tuổi từ 20 - 34 tuổi thì tuổi trung bình bắt đầu hút thuốc hàng ngày là gần 19 tuổi. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại gia đình là 53,5% và 36,8% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nơi làm việc.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 50% người hút thuốc lá sẽ chết sớm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá với tuổi thọ trung bình giảm khoảng 15 năm so với người không hút thuốc lá. Số người tử vong hàng năm liên quan đến thuốc lá hiện tại là 6 triệu, sẽ tăng lên đến 7 triệu năm 2020 và 8 triệu năm 2030 nếu tỷ lệ hút thuốc lá không giảm. Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh ung thư  (phế quản, khoang miệng, vòm họng, thực quản, bàng quang, tụy…); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến  mạch  máu não, viêm tắc động mạch chi dưới…);  bệnh hô hấp (viêm nhiễm đường hô hấp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).

Tần suất bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Việt Nam năm 2001, ước đoán dựa trên tần suất hút thuốc lá tại Việt Nam là  6,7%  - cao nhất trong số 12 quốc gia trong  khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguy cơ ung thư phế quản tăng 20 - 30% và bệnh mạch vành tăng 25 - 30% trên người hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc thụ động thúc đẩy đợt cấp của hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm nặng thêm bệnh lý tim mạch, là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nhiễm trùng hô hấp và bệnh tai mũi họng ở trẻ nhỏ. Hút thuốc lá trong thai kỳ làm thai chậm tăng trưởng trong tử cung, mẹ hút thuốc lá sau sinh là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử ở trẻ sơ sinh.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới hàng năm do hút thuốc lá khoảng 500 tỷ đô la Mỹ. Năm 2015, người Việt Nam chi 31 nghìn tỷ đồng mua thuốc lá hút. Năm 2011, chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì tử vong sớm cho 5 bệnh ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa và hô hấp trên, phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ do hút thuốc lá tại Việt Nam là hơn 23 nghìn tỷ đồng.

 Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nên gánh nặng bệnh tật với khoảng 50% người hút thuốc lá sẽ tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá, và tuổi thọ trung bình của người hút thuốc giảm khoảng 15 năm so với người không hút thuốc lá. Bên cạnh đó, hút thuốc lá cũng gây nên những gánh nặng về kinh tế và xã hội, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.