Nghệ thuật thứ 7 thời đại dịch

TP - Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm đảo lộn cuộc sống của toàn thế giới. Lẽ dĩ nhiên phim ảnh cũng phải tìm cách để thích nghi với trạng thái bình thường mới. Chúng ta hãy cùng xem sau hai năm sống chung với đại dịch, nhịp sống phim ảnh đã thay đổi như thế nào.

Thói quen xem phim của khán giả đã thay đổi

Vì có đặc thù là nơi tụ tập đông người nên rạp phim đã bị hạn chế hoạt động ngay từ rất sớm. Thêm vào đó, việc giãn cách xã hội trong thời gian dài khiến khán giả ở nhà chỉ còn một cách duy nhất để tiếp cận phim ảnh là thông qua nền tảng chiếu phim trực tuyến, mà phổ biến nhất là Netflix. Nắm được nhu cầu xem phim tại gia ngày càng tăng, các hãng chiếu phim trực tuyến không chỉ nhập về các bộ phim bom tấn cũ mà còn kiêm luôn làm nhà sản xuất, tạo ra các nội dung độc quyền chất lượng cao, đa dạng và phong phú để người xem tha hồ lựa chọn.

Cảnh trong phim Contagion

Năm qua được coi là năm bội thu nhất trong lịch sử của Netflix, cứ phim mới ra lại phá kí lục về doanh thu và lượt xem của phim trước. Các tựa phim hot như Money Heist (Phi Vụ Triệu Đô) hay tiêu biểu là Squid Game (Trò Chơi Con Mực) chỉ vừa ra mắt trong thời gian ngắn lập tức trở thành những biểu tượng mới trong văn hóa đại chúng. Không muốn bị Netflix bỏ lại quá xa, hãng Disney cũng đã có những bước đầu vững chắc trên thị trường phim trực tuyến với chiến lược đưa những siêu anh hùng nổi tiếng của Marvel lên màn ảnh nhỏ. Vì những tv-series mới này có liên hệ trực tiếp đến phim chiếu rạp nên fan ruột không thể không xem.

Ngoài Disney, các hãng lớn như Amazon, HBO hay Apple cũng đang rục rịch đầu tư vào phim trực tuyến, hứa hẹn một cuộc chiến khốc liệt giữa các ông lớn trong năm tới, còn người yêu phim lại càng có lí do để ở nhà.

Phim chiếu rạp gặp nhiều thách thức

Ngược lại với phim trực tuyến, phim điện ảnh chiếu rạp vẫn chưa tìm ra phương án tối ưu nhất để sống chung với đại dịch. Các nhà sản xuất vẫn đang phân vân giữa hai lựa chọn công chiếu phim trực tuyến hay là ra rạp. Nếu chọn trực tuyến, nhà sản xuất sẽ có được sự chủ động thời gian nhưng doanh thu khó đạt được như ở rạp. Thêm nữa môi trường trực tuyến phù hợp với phim bộ nhiều tập hơn là phim lẻ. Trải nghiệm điện ảnh trên màn ảnh nhỏ chắc chắn không thể trọn vẹn được như ở rạp, đó là điều phía sản xuất bắt buộc phải đánh đổi nếu muốn ra mắt phim đúng thời hạn.

Đoàn làm phim một người

Trong khi đó, công chiếu phim ở rạp lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình dịch bệnh diễn ra khó lường khiến nhiều phim phải hoãn lịch chiếu dẫn đến phát sinh thêm chi phí marketing để duy trì sức hút cho đến ngày công chiếu mới. Khán giả thì như đã nói ở trên, không còn mặn mà với rạp phim như trước, nếu không phải là thương hiệu có sức hút lớn như James Bond hay Marvel thì khó mà thuyết phục khán giả trở lại rạp ở thời điểm hiện tại.

Phim ảnh là người bạn trung thành chúng ta, giúp ta vượt qua cơn buồn chán cũng như đã kết nối những thành viên trong gia đình lại với nhau mỗi lúc chẳng biết làm gì. Dẫu trong tương lai có bao nhiêu khó khăn ập đến thì phim ảnh sẽ luôn có cách để tồn tại, bởi cuộc sống thật trống vắng nếu thiếu nó.

Và thực tế cho hay dẫu là bom tấn thì doanh thu vẫn không cao như kì vọng. Những siêu phẩm như Tenet, Dune hay The French Dispatch đều được cầm trịch bởi những đạo diễn lớn nhất hiện tại, được hóng chờ rất lâu và có chất lượng rất cao nhưng rốt cuộc vẫn không thể đạt được thành công trên mặt trận phòng vé.

Còn một giải pháp khác rất được ưa chuộng gần đây là phát hành ở rạp trước trong khoảng một tháng rồi mới đưa lên trực tuyến. Đây được cho là giải pháp an toàn và linh hoạt nhất trong bối cảnh hiện tại và có thể sẽ thành xu thế trong tương lai.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng phim chiếu rạp đang dần tìm ra giải pháp tốt nhất để thích nghi với thời buổi đại dịch.

Làm phim trong mùa dịch như thế nào?

Để thích nghi với thời Covid, quy mô của việc làm phim bắt buộc phải nhỏ lại, tiết kiệm hơn và cũng phải sáng tạo hơn trước. Phim kinh dị Host nổi bật lên trong thời dịch nhờ vào cách mà nó được tạo ra chỉ bằng ứng dụng hội họp trực tuyến rất phổ biến hiện nay là Zoom. Hay như cây hài độc thoại Bo Burnham, một ví dụ tiêu biểu về “đoàn làm phim một người”. Từ quay phim, thu âm, biên kịch, chỉnh sửa đến soạn nhạc đều do anh chàng tự đảm nhận để tạo nên tập phim đặc biệt Bo Burnham: Inside trong thời gian bị cô lập do giãn cách xã hội. Tập phim này thậm chí đã trở thành hiện tượng trên Netflix suốt mùa hè và đã ẵm trọn bộ giải thưởng Emmy (giải thưởng danh giá nhất cho phim truyền hình) ở hạng mục âm nhạc, kịch bản và đạo diễn.

Có thể Covid-19 đã đưa điện ảnh vào một giai đoạn khó khăn nhưng chính nó đã rút ngắn quá trình tiến hóa của điện ảnh. Dù còn nhiều tranh cãi nhưng không thể phủ nhận phim điện ảnh giờ đây đã dễ tiếp cận hơn rất nhiều nhờ các nền tảng chiếu phim trực tuyến trên màn hình nhỏ.

Phim kinh phí lớn vẫn được sản xuất nhờ vào mô hình “bong bóng” học hỏi từ giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA. Các đoàn làm phim ở Hollywood đã tạo ra trường quay biệt lập với tiêu chí “nội bất xuất ngoại bất nhập”, mọi thành viên trong ekip phải sinh hoạt và làm việc trong “bong bóng” nhiều tháng trời với những quy trình phòng dịch nghiêm ngặt cho đến khi đóng máy.

Điều kiện khó khăn do Covid-19 gây ra không thể làm ngưng trệ nhịp sống làm phim, mặt khác nó còn thúc đẩy sức sáng tạo của các nhà làm phim, thách thức họ vượt qua giới hạn của bản thân để tạo ra một xu hướng phim ảnh mới, phù hợp để trình chiếu trên những màn ảnh nhỏ như laptop hay điện thoại thông minh.

Phim ảnh đã khắc họa đại dịch ra sao?

Dẫu Covid-19 đang là chủ đề nóng hổi thì hầu như chưa phim nào gần đây nói về chủ đề này đủ sức thuyết phục. Kì lạ thay, một bộ phim được ra mắt từ 10 năm trước của đạo diễn Steven Soderbergh mang tên Contagion lại dự báo chính xác và mô tả cực kì chi tiết viễn cảnh của hiện tại.

Chủng virus trong phim có tên MEV-1 có xuất xứ và đặc tính gần như y hệt những gì chúng ta biết về Covid-19, có khả năng lây lan nhanh chóng và làm thay đổi nhịp sống của xã hội. Với sự cố vấn đắc lực từ các chuyên gia trong lĩnh vực y học, phim chậm rãi đưa người xem đi qua từng giai đoạn dịch bùng phát và quy trình xử lí của các tổ chức y tế. Bên cạnh đó, Contagion còn chạm đến nhiều vấn đề phát sinh từ đại dịch như các nhân tố gây hỗn loạn xã hội, bất cập trong phân phát vắc xin, đạo đức nghề nghiệp của y bác sĩ, quá tải hệ thống y tế …

Khi được hỏi về sự tương đồng lạ thường giữa phim với đời thực, nhà biên kịch Scott Burns cho biết ông không hề ngạc nhiên về điều này: “Tôi đã trao đổi rất nhiều với các chuyên gia y tế trong quá trình viết kịch bản. Dịch bệnh như thế này chắc chắn sẽ diễn ra, không quan trọng là nó diễn ra như thế nào mà là khi nào nó sẽ diễn ra. Mục đích Contagion được tạo ra là để dành cho những trường hợp như hiện nay, khán giả sẽ biết tự bảo vệ bản thân đúng cách khi rơi vào hoàn cảnh như trong phim”.

Có thể ví Contagion như một cuốn cẩm nang về đại dịch được viết bằng ngôn ngữ điện ảnh. Nếu bạn thích xem phim và muốn tìm hiểu về đại dịch, Contagion đích thị là lựa chọn hợp lý nhất.