Nếu không điều trị, tỷ lệ tử vong 50%

TP - Bộ Y tế cho biết từ Tết đến nay, cả nước ghi nhận 5 tỉnh thành có dịch viêm não mô cầu là Hà Nội, TPHCM, Long An, Bình Phước, Quảng Trị. Đáng chú ý là thời gian gần đây bệnh tập trung nhiều ở trẻ em.
Trẻ em nhập viện vì bệnh viêm mô cầu Ảnh: L.N

> Nhiễm não mô cầu tấn công trẻ em

Trẻ em nhập viện vì bệnh viêm mô cầu.  Ảnh: L.N.

Trong những ngày Tết Nguyên đán, Hà Nội ghi nhận bệnh nhi nữ 3,5 tháng tuổi ở thôn Kim Giao, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh.

Bệnh nhân này khởi bệnh ngày 15-1 với triệu chứng sốt cao, ho, chảy nước mũi. Gia đình đưa trẻ đến Trạm Y tế xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh và đến bệnh viện đa khoa Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

Ngày 16-1, trẻ nhập Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng sốt cao, nôn, tiêu chảy và đã được chọc dịch não tủy. Kết quả cho thấy dịch não tủy dương tính với vi khuẩn não mô cầu.

Từ ngày 23-1, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiến hành điều tra và xử lý ổ dịch bằng cách khoanh vùng và giám sát chặt chẽ tình hình dịch toàn bộ khu vực quanh nhà bệnh nhân.

Điều tra dịch tễ và lập danh sách, theo dõi sức khỏe những người tiếp xúc với bệnh nhân. Hiện tại, chưa phát hiện thêm trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh trong nhóm tiếp xúc gần với bệnh nhân cũng như trong toàn bộ khu vực lân cận...

Tại TPHCM bệnh nhi là bé trai 2 tuổi, ở 177/50/17 Bùi Minh Trực, phường 5, quận 8, TPHCM. Ngày 18-1, bé trai này được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Bệnh nhân thứ 2 là bé gái, 6 tuổi, địa chỉ ở 125/197 Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM. Ngày 18-1, bé nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Viện Pasteur TPHCM đã xét nghiệm và cho kết quả cả 2 bệnh nhi dương tính với vi khuẩn não mô cầu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Quốc gia) cho biết, một thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em dưới hai tuổi chiếm rất cao, khoảng 50%, trong khi đó ở người lớn khoảng 25%.

Theo TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, hiện tỷ lệ người lành mang trùng trong cộng đồng từ 10- 20% nên nguy cơ lây bệnh là rất lớn. Số liệu của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho thấy, viêm não mô cầu là bệnh xếp thứ 6 trong số 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ em và đây cũng là nhóm có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất. Tần suất vi khuẩn mang bệnh tìm thấy ở hầu họng 5-10%; tuy nhiên tỉ lệ này thường cao hơn nhiều ở trẻ em, nhất là vào mùa lạnh.

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ em, hạn chế ra ngoài khi trời lạnh, tránh tụ tập nơi đông người để giảm thiểu nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào hệ tuần hoàn gây bệnh. Đặc biệt nên cho trẻ tiêm phòng vaccine viêm não mô cầu đối với những trẻ từ 2 tuổi trở lên.

Trẻ em và người già có thể bị bệnh viêm màng não do não mô cầu nhưng triệu chứng không điển hình, không sốt, không cứng cổ.

Ở trẻ em, bệnh có tỷ lệ tử vong khoảng 50% nếu không được điều trị; còn điều trị sớm tỷ lệ tử vong vẫn còn 5% đến 10%. Khoảng 10% - 15% số trường hợp qua khỏi nhưng vẫn phải chịu biến chứng như tâm thần, điếc, liệt, động kinh.

Những trường hợp nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu có shock và ban xuất huyết hoại tử (gọi là tử ban) tuy ít gặp hơn viêm màng não nhưng lại nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Quốc gia cho biết, biểu hiện ban đầu của bệnh có khi chỉ là viêm họng, sốt, ho, có trường hợp kèm theo những ban xuất huyết sẫm màu ở trên da nên rất dễ chẩn đoán nhầm với những bệnh lý khác như sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường tới ngày thứ 3-4 mới có xuất huyết, còn người mắc bệnh nhiễm não mô cầu chỉ đến ngày thứ nhất, thứ hai có thể đã thấy những nốt ban, kích cỡ các vết ban không chỉ nhỏ như hồng ban của bệnh sốt xuất huyết mà mỗi ngày một lớn. Đây là triệu chứng điển hình để nhận biết bệnh.

Người mắc bệnh nhiễm não mô cầu chỉ đến ngày thứ nhất, thứ hai có thể đã thấy những nốt ban, kích cỡ các vết ban không chỉ nhỏ như hồng ban của bệnh sốt xuất huyết mà mỗi ngày một lớn. Đây là triệu chứng điển hình để nhận biết bệnh.

Theo Báo giấy