Năm nay ưu tiên hàng đầu của ngành y vẫn là chống COVID

TP - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định trong năm 2022, toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả biện pháp phòng chống dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng.

Trả lời báo chí nhân dịp đầu năm 2022, Bộ trưởng Y tế cho biết: “Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các chuyên gia, đại dịch COVID-19 không thể chấm dứt trước năm 2023, vì vậy với Việt Nam, công tác phòng chống dịch vẫn phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước mắt và quan trọng. Toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19”.

F0 tăng mạnh

sau kì nghỉ Tết

Ngày 7/2, Bộ Y tế cho biết tăng 2.704 ca COVID-19 so với ngày trước đó, nâng tổng số 16.809 F0 mới tại 61 tỉnh thành, với hơn 11.000 ca cộng đồng. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với gần 3.000 F0. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách li, xử lí triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách li, khu phong tỏa.

Về chiến lược chống dịch vẫn thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Bộ trưởng nhấn mạnh ngành Y tế sẽ tập trung một số vấn đề cơ bản như tiếp tục tăng bao phủ vắc xin, nhất là với mũi 3 cho những đối tượng trên 18 tuổi; đảm bảo việc tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi và chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo lãnh đạo Bộ, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan đối với việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, Bộ Y tế trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với WHO, với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới. Cho đến nay WHO đã chính thức cấp phép cho vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện nay có hơn 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có kế hoạch và triển khai, có quốc gia tiêm cho toàn bộ trẻ, có quốc gia tiêm cho những trẻ nguy cơ cao. Đồng thời Bộ cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra...

Tiêm vắc xin phòng COVID-19Ảnh: Tuấn Dũng

Tăng mạnh phụ cấp nhân viên y tế

Về những ý kiến nhận định chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế trong thời gian qua chưa thỏa đáng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: “Có thể nói rằng những tác động của đại dịch COVID-19 với ngành y tế rất sâu rộng, ảnh hưởng cả về thu nhập, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình Chính phủ để có thể tăng chế độ phụ cấp, đãi ngộ đối với cán bộ y tế khi đi vào vùng dịch một cách thỏa đáng. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ lâu dài là vấn đề hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền, từ đó có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Về cơ bản, các cấp thẩm quyền đồng thuận hướng nâng phụ cấp cho nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên tới 100% mức lương”.

Bộ trưởng cho hay trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tiến hành cải cách và đổi mới cơ chế tài chính, trong đó sẽ theo hướng tăng cường nhiều hơn đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng nhằm đảm bảo hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời qua đó nâng cao thu nhập của nhân viên y tế, để họ yên tâm công tác.

Bộ Y tế vừa có công văn gửi 12 tỉnh, thành phố, gồm: Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang yêu cầu tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 Abdala. Kiên quyết không để vắc xin Abdala phải hủy bỏ do hết hạn sử dụng.