Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT nói: Đối với học phí mầm non và giáo dục phổ thông, trong năm học 2009 - 2010 vẫn thực hiện như hiện nay.
Cách tính mà đề án đề xuất sẽ thực hiện từ năm học 2010 - 2011. Nếu thực hiện từ năm học 2009 - 2010, nhà nước phải chuẩn bị 5.300 tỷ đồng để bù cấp cho các đối tượng được miễn giảm học phí, mà điều này thì Bộ Tài chính cũng như các địa phương chưa kịp chuẩn bị được nguồn.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên tắc tính học phí là dựa vào thu nhập của người dân và mức tính là khoảng sáu phần trăm thu nhập của người dân là cao, là không khả thi. Ý kiến của ông thế nào?
Theo điều tra mức sống hộ dân, con số sáu phần trăm là mức chi thấp nhất mà người dân chi phí cho các hoạt động học tập tại nhà trường.
Năm 2002, riêng học phí (thu theo quy định về khung học phí Chính phủ ban hành từ năm 1998) đã chiếm 6,1phần trăm thu nhập hàng tháng của dân. Có nơi mức học phí này chiếm tới 8,6 phần trăm.
Hơn nữa, đề án không đề xuất học phí là sáu phần trăm mà chỉ đưa ra nguyên tắc: chi phí học tập của một hộ không vượt quá sáu phần trăm.
Ví dụ, một hộ dân có mức thu nhập 1,4 triệu đồng/tháng thì chi phí học tập của hộ đó sẽ không vượt quá sáu phần trăm của 1,4 triệu đồng, dẫu họ có hai con đi học. Đây là mức khả thi, nằm trong khả năng chi trả của các gia đình.
Nền kinh tế của chúng ta là kinh tế tiền mặt nên khó kiểm soát thu nhập của các hộ dân, do đó căn cứ vào thu nhập của hộ dân để thu học phí sẽ rất khó?
Chúng ta không căn cứ vào thu nhập của từng hộ dân mà thu học phí như kiểu thu thuế thu nhập cá nhân. Từ trước đến nay, chúng ta thu học phí không căn cứ vào nguyên tắc nào cả nên không biết thu như vậy là thấp hay cao. Giờ, chúng ta đưa ra nguyên tắc để từ đó quy định khung học phí.
Hàng năm, các địa phương đều báo cáo thu nhập bình quân của các vùng trong địa phương. Việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo từ trước đến nay cũng đều phải căn cứ vào thu nhập bình quân của hộ gia đình. Do đó, nguyên tắc dựa vào thu nhập bình quân hộ gia đình để tính học phí là khả thi.
Ông nói rằng, nếu thực hiện đề án học phí mới thì, ở phổ thông, nhà nước phải bù cấp nhiều hơn số học phí thu được. Vậy tại sao nhà nước không thực hiện chính sách miễn học phí phổ thông?
Việc thu học phí là do Luật Giáo dục quy định. Thu học phí là một cách huy động sự chia sẻ trách nhiệm với dân đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Ngay cả những nước có quy định miễn phí cũng không phải miễn toàn bộ. Trong khi đó, chúng ta chưa đủ điều kiện bao cấp được hết, chỉ có thể miễn phí cho giáo dục tiểu học và các đối tượng chính sách.
Cảm ơn ông.
Quý Hiên
thực hiện