Mỹ lần đầu triển khai tàu tác chiến cận bờ ở nước ngoài

TPO-Tàu tác chiến cận bờ USS Freedom của Hải quân Mỹ rời căn cứ San Diego ngày 1-3 để tới Singapore. Trong thời gian 8 tháng, USS Freedom thực thi các hoạt động an ninh hàng hải, huấn luyện với tàu các nước khác.
Tàu tác chiến cận bờ USS Freedom của Hải quân Mỹ .

Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai loại tàu tác chiến cận bờ ở nước ngoài.

Press TV dẫn nguồn tin từ lực lượng Hải quân Mỹ cho biết, tàu USS Freedom - thuộc chương trình Tàu tác chiến cận bờ (LCS) - sẽ rời San Diego vào ngày 1-3 để tới Thái Bình Dương.

Trong thời gian 8 tháng, USS Freedom sẽ thực hiện các hoạt động an ninh hàng hải, tham gia vào các triển lãm quốc tế và huấn luyện với tàu nước ngoài.

“USS Freedom đã sẵn sàng cho việc triển khai. Việc triển khai này sẽ không chỉ đưa USS Freedom vào môi trường hoạt động mà còn cho phép Hải quân Mỹ tìm hiểu xem những điểm nào đã mạnh và những điểm nào cần cải tiến”, Đại uý Rick Chernitzer, người phát ngôn Lực lượng nổi của Hải quân Mỹ, cho biết.

Tàu tác chiến cận bờ là một loại tàu chiến nổi tương đối nhỏ đang được Hải quân Mỹ phát triển để chiến đấu trong các vùng biển nước nông ven bờ. Tốc độ tối đa của tàu là trên 40 hải lý/giờ.

USS Freedom, dài 115m, là chiếc đầu tiên trong chương trình LCS được đưa vào biên chế hồi tháng 11-2008.

USS Freedom phải mất nhiều năm để được “khai sinh” bởi hàng loạt các vấn đề liên quan đến các vết nứt, hệ thống thông tin liên lạc và vấn đề ăn mòn thân tàu.

Trong một báo cáo năm 2011, Lầu Năm Góc cho hay các tàu này khó có thể đẩy lùi các vụ tấn công nếu các vấn đề trên không được giải quyết.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, hải quân Mỹ sẽ đưa 24 tàu LCS vào biên chế, với 16 chiếc trong số đó tham gia hạm đội Thái Bình Dương.

An Huy
tổng hợp

Theo Dịch