Thuốc chữa bệnh xách tay từ nước ngoài về không hóa đơn chứng từ, thuốc từ các nguồn trôi nổi không nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị Cục quản lý Dược yêu cầu thu hồi, đều được các đầu nậu tại chợ dược Tô Hiến Thành, quận 10 mua tuốt.
“Em có một lô thuốc mẫu do công ty tặng bác sĩ nhưng gần hết đát, anh gom được không em đẩy (bán)”- trong vai một trình dược viên, tôi gọi điện cho Tuấn- một đầu nậu thu gom thuốc ở chợ dược phẩm sỉ Tô Hiến Thành, người này trả lời: “OK! Cứ đẩy, anh mua tuốt”. Địa điểm mà Tuấn hẹn là một quán cà phê gần chợ sỉ, trên đường Nguyễn Giản Thanh - nơi Tuấn thường chọn để giao dịch mua bán.
Khi tôi đưa 20 hộp thuốc Idrac- một loại thuốc giảm đau kháng viêm của một công ty dược phẩm ở quận 1 sản xuất đến nơi giao hẹn, Tuấn đon đả: “Chỉ này thôi ư! Có càng nhiều càng tốt, anh cần mua số lượng nhiều”. Tôi bảo để lần sau, đợt này hàng mẫu hơi ít, Tuấn chặc lưỡi: “Không sao, lần sau có ai bán cứ giới thiệu cho anh, có hoa hồng cho em”.
Sau khi xem xong hàng, Tuấn trả giá 20 hộp thuốc trên bằng một nửa giá chính hãng. Tôi cố nài thêm, Tuấn bảo: “Thuốc này là hàng mẫu “not for sale” (không được bán) lại không hóa đơn nên một nửa giá là hợp lý rồi”.
Không chỉ mua các loại thuốc được cho là hàng mẫu từ các trình dược viên, Tuấn và một số đầu nậu ở chợ dược còn thu gom tất cả các loại thuốc trôi nổi khác.
Sau khi làm quen với các dược sĩ, tôi được giới thiệu số điện thoại từ một đầu nậu khác tên Quang, cũng hoạt động thu gom thuốc ở khu vực chợ sỉ này.
Không cần dò hỏi khi số điện thoại lạ gọi đến bán thuốc, Quang vào đề: “Em cần đẩy thuốc gì?”. “Em có năm hộp Viagra do một người thân xách tay từ Mỹ về”- Tôi trả lời, liền được Quang yêu cầu mang thuốc ra chợ sỉ để giao dịch.
Ngay sau khi xem hàng, Quang chỉ trả giá 180 nghìn đồng/vỉ bốn viên. Tôi bảo thuốc này là hàng xịn chính hãng của Cty Pfizer, mỗi hộp có giá bán ở nhà thuốc 565 nghìn đồng/vỉ. Quang mặc cả: “200 đồng/vỉ, được thì lấy”.
Theo Quang với những loại thuốc này, sau khi thu vào phải hợp thức hóa nguồn gốc sau đó mới đẩy ra thị trường. Để làm được điều này, theo Quang cần phải quen biết và phải chung chi cho một số đối tác làm hóa đơn?!.
Ngay cả hai loại thuốc giả khác là thuốc Zenatop 250mg và thuốc viên bao phim Voltoren 50mg đã được Cục quản lý Dược ra thông báo thu hồi vào tháng 5/2009, nhưng khi tôi hỏi Quang, có gom được không vì mấy người bạn còn hơn 20 thùng hàng này, Quang hớn hở: “Cứ đẩy ra đây anh mua hết, nhưng giá hơi bèo đấy”.
Nhiều loại thuốc đặc trị viêm gan cũng là loại not for sale, có giá từ 3-4 triệu đồng, hết đát được các trình dược viên đẩy ra, các đầu nậu như Quang và Tuấn đều thu gom sạch. Nhiều trình dược viên cho biết, bán hàng này rất dễ nhưng các đầu nậu ép giá chỉ còn từ 500- một triệu đồng/hộp.
Hốt bạc từ gom thuốc trôi nổi
Ở chợ dược phẩm quận 10, những đầu nậu làm nghề thu gom thuốc như Tuấn không phải ít.
Theo các trình dược viên, nơi đây có ít nhất 10 đầu nậu, nghề chủ yếu là thu gom thuốc từ các nguồn, sau đó tuồn đi các tỉnh, các phòng mạch, nhà thuốc, thậm chí hợp thức hóa để bán tại chợ sỉ.
Một trình dược viên nói với tôi, để làm ăn lâu dài, điều bất di bất dịch đối với các trình dược viên là muốn đẩy được hàng ra các cửa hàng trong chợ dược này, đều phải qua tay các đầu nậu như Tuấn.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi thấy một số đầu nậu thu gom thuốc ở chợ dược này là những đại gia lắm tiền và có trình độ.
Một trình dược viên tên Hương: “Các đầu nậu ở đây đều là những người có trình độ. Họ là những dược sĩ đại học, cử nhân kinh tế, thậm chí là bác sĩ…nhưng lại thích đi làm nghề thu gom”. Lợi nhuận một vốn mười lời từ việc thu gom thuốc khiến cho các đầu nậu bỏ vốn ra để theo nghề này.
Lấy ví dụ về việc hốt bạc nhờ thu gom của các đầu nậu, Hương cho biết, tháng nào bán hàng không đạt doanh thu cho công ty, các trình dược viên phải bỏ tiền túi ra để mua hàng của công ty mình, sau đó ra chợ sỉ bán lại với giá rẻ hơn giá công ty giao, chấp nhận chịu lỗ.
“Môt hộp thuốc Coltramul có giá 30 nghìn đồng/hộp nhưng khi bán ra cho các đầu nậu ở chợ sỉ chỉ 20 nghìn đồng/hộp. 10 nghìn chênh lệch còn lại trình dược viên phải bù lỗ”- Hương nói.
Theo Hương, tất cả thuốc này bán ra các đầu nậu đều không lấy hóa đơn, vì hóa đơn công ty xuất bán 30 nghìn đồng/hộp, trong khi sau khi thu gom xong, đầu nậu bán ra cho nhà thuốc và bỏ mối đi các phòng mạch, các tỉnh chỉ 25-28 nghìn đồng/hộp. Họ lời 5-8 nghìn/hộp chỉ trong nháy mắt.
Theo điều tra của chúng tôi, một số loại thuốc cùng hãng sản xuất, trong khi nhà phân phối báo giá cao nhưng tại chợ sỉ Tô Hiến Thành các loại thuốc phân phối rất rẻ.
Loại thuốc Dilatren 6,25mg của Cty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex có giá 130.275 đồng/ hộp 30 viên đã bao gồm thuế, nhưng tại chợ sỉ hộp thuốc này được chào bán với giá chỉ 102.000 đồng/hộp. Tương tự, thuốc Adrocua 50mg có giá 714.000 đồng/hộp thì tại chợ sỉ chỉ 595.000 đồng, rẻ hơn 129.000 đồng.
Chúng tôi thử hỏi mua các loại thuốc trên. Khi yêu cầu một cửa hàng thuốc tại đây xuất hóa đơn thì bị từ chối.
Tôi gọi điện hỏi Tuấn và Quang, mới vỡ lẽ, các loại thuốc trên được thu mua lại từ trình dược viên và từ các đầu mối xách tay, theo đường du lịch về.
“Một số thuốc gọi là hàng mẫu cấm bán, nhưng khi nhập về để cho bác sĩ thì bị trình dược viên tẩy (xóa chữ hàng mẫu) rồi bán rẻ ra chợ sỉ, vì vậy đỏ mắt cũng không tìm được hóa đơn”- một đầu nậu là người quen nói.
Vì vậy, giá thuốc thu gom và bán ra có khi rẻ đến 10-15 phần trăm so với chính hãng, các đầu nậu và con buôn ở chợ hốt bộn tiền.
(Còn nữa)