Không có gì bất ngờ trên bảng xếp hạng. Hà Nội ngôi đầu (191 huy chương vàng, 150 huy chương bạc, 139 huy chương đồng); nhì là TP.HCM (127 huy chương vàng, 110 huy chương bạc, 138 huy chương đồng), thứ ba là Quân đội (68 huy chương vàng, 85 huy chương bạc, 52 huy chương đồng), thứ tư là Đà Nẵng (57 huy chương vàng, 47 huy chương bạc, 52 huy chương đồng)...
Bơi lội, bắn súng, điền kinh... lập những cơn mưa kỷ lục. Trong số các kình ngư Việt Nam gây kinh ngạc khi thiết lập nhiều kỷ lục quốc gia và kỷ lục Đại hội là 2 kình ngư trẻ Hoàng Quý Phước và Nguyễn Thị Kim Tuyến. Với 11 huy chương vàng, Nguyễn Thị Kim Tuyến trở thành vận động viên đoạt nhiều huy chương vàng nhất tại Đại hội này. Hoàng Quý Phước (Đà Nẵng) đoạt 7 huy chương vàng…
Lập nhiều kỷ lục lẽ ra phải mừng, nhưng dưới con mắt các nhà chuyên môn thì đấy chỉ là kỷ lục "ảo". Nguyên do bởi phần lớn các kình ngư dựa vào trang phục bơi công nghệ cao - điều mà Liên đoàn Bơi lội thế giới, cấm sử dụng gần một năm qua.
Tâm điểm của Đại hội là bóng đá - môn thể thao có sức hút lớn nhất lại chỉ dành cho lứa U21 mà đội chủ nhà thì không có mặt, chỉ chọn 4 đội vào bán kết giải U21 báo Thanh Niên năm 2010 tham dự. Chức vô địch bóng đá nam thuộc về Bình Định.
Trong khi đó có vỏn vẹn 7 đội bóng chuyền đăng ký tham dự Đại hội. Hà Nội vô địch môn bóng chuyền. Nhìn chung kể cả các môn thường thu hút sự quan tâm của người hâm mộ cũng rơi vào cảnh buồn tẻ.
Sau Asian Games 16 đáng quên và thất bại của bóng đá nam tại AFF Suzuki Cup 2010 càng làm khán giả thêm thờ ơ với thể thao nước nhà. Mệt mỏi, đó là tâm trạng chung của những người buộc phải tham dự Đại hội.
Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ 6 đã khép lại và lá cờ đăng cai tiếp tục được trao cho Nam Định, địa phương thứ tư có vinh dự này. Đại hội sẽ diễn ra sau 4 năm nữa.