Mù mờ chuyện kêu lỗ của DN xăng dầu

TP - Các chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp xăng dầu đầu mối kêu lỗ 1.200 đồng/lít xăng cần xem xét lại các tính toán. Cơ quan quản lý nhà nước cần siết chi phí của doanh nghiệp đồng thời áp dụng giá trần với mặt hàng xăng dầu.

> Doanh nghiệp đề nghị tăng 1.100 - 1.200 đồng/lít xăng

Tính lại lỗ của doanh nghiệp

Theo thông tin từ Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, đến ngày 24-8, có 3 doanh nghiệp là Cty TNHH Một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), Cty TNHH Một thành viên Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ gửi văn bản đề nghị cho điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu với mức tăng từ 1.200-1.300 đồng/lít.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, Bộ Tài chính đang cân nhắc nhằm hạn chế những tác động bất lợi của việc tăng giá xăng.

Theo ông Thỏa, đáng lẽ đợt vừa rồi giá xăng dầu tăng 1.400 đồng/lít nhưng để giá bán không tăng cao nên Bộ cho doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn 300 đồng/lít xăng nên giá chỉ tăng 1.100 đồng/lít: “Bộ đang xem xét một cách kỹ lưỡng tính toán của các doanh nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp. Các biện pháp bao gồm cả việc sử dụng quỹ bình ổn và một số biện pháp hỗ trợ khác”.

Việc đề nghị tăng giá khoảng 1.200 đồng/lít xăng, theo các chuyên gia, cần xem xét lại phương cách tính toán của doanh nghiệp. Các số liệu dùng để tính toán thì đúng nhưng hợp nhất các con số thì có dấu hiệu không rõ.

Cụ thể, theo cách tính, các doanh nghiệp đưa cả phần lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng, dầu vào giá thành của giá xăng để tính, trong khi đáng lẽ phải tách hẳn ra.

Nếu trừ phần lãi theo quy định là 300 đồng/lít nói trên và được trích bù 300 đồng nữa từ quỹ bình ổn giá, mức lỗ thực tế của các doanh nghệp chỉ ở mức khoảng 600 đồng/lít xăng.

Cũng theo các chuyên gia, doanh nghiệp kêu lỗ là căn cứ theo giá thế giới tăng. Còn để biết doanh nghiệp lỗ thật không thì phải căn cứ theo lượng nhập thực tế của doanh nghiệp trong những ngày qua cộng với hàng tồn của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp mà không nhập hàng trong 10 ngày qua hoặc chỉ nhập rất ít rồi tính nhập nhèm tất cả theo giá thế giới tăng thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt và lỗ của doanh nghiệp như vậy là lỗ ảo. Phải tính thực tế lượng nhập của doanh nghiệp cộng với giá mua hàng trước đó chia trung bình thì mới ra giá nhập thực tế của doanh nghiệp. Nếu tính đúng như vậy chắc chắn doanh nghiệp không bị lỗ cao như vậy”- một chuyên gia về giá cho biết.

Theo các chuyên gia, cần kiểm tra tổng thể lượng nhập theo từng giai đoạn của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Các số liệu xuất nhập khẩu cho thấy, trong tháng 7, tổng lượng xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam là 974.210 tấn với tổng trị giá trên 713,85 triệu USD.

So với tháng 6 thì lượng nhập xăng dầu của doanh nghiệp giảm 26,7% về lượng và 24,9% về trị. Tính chung 7 tháng đầu năm 2012, lượng xăng dầu nhập khẩu vào Việt Nam đạt 5,71 triệu tấn, trị giá 5,52 tỷ USD.

Nếu so với cùng kỳ năm 2011, lượng xăng nhập khẩu giảm 13,3% , trị giá giảm 7,2%. Căn cứ các số liệu trên thì giá xăng dầu thực tế bình quân của doanh nghiệp thế nào chỉ có doanh nghiệp đó biết rõ nhất.

Các chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi điều kiện quy định về kinh doanh xăng dầu để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia, cùng cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng độc quyền, thị phần của các doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường như Petrolimex, PV Oil.

Siết chi phí của doanh nghiệp

Trước tình trạng cây xăng găm hàng mỗi khi giá thế giới lên, PGS. TS Hoàng Trần Hậu (Học viện Tài chính) cho rằng, độc quyền, lợi ích nhóm là nguyên nhân chính.

Khi giá thế giới tăng cao, giá bán trong nước chưa được điều chỉnh kịp, doanh nghiệp lẽ lại hạn chế nhập khẩu, giảm hoa hồng đại lý xuống mức thấp nhất để giảm lỗ.

Các đại lý có điều kiện về tài chính cũng bán hàng cầm chừng, găm hàng để chờ tăng giá trong khi các đại lý điều kiện kém hơn cũng chỉ cầm cự được một thời gian ngắn trước khi đóng cửa hàng, tạo tâm lý căng thẳng thiếu nguồn cung cục bộ.

Theo ông Hậu, khi có lãi, tổng đại lý được hưởng lợi lớn nhờ việc lựa chọn mua của đầu mối có mức thù lao cao hơn trong khi người dân vẫn phải mua theo đúng giá quy định.

Điều này khiến doanh nghiệp bị thất thu do phải tăng chiết khấu để cạnh tranh giữ thị trường và nguồn thu của Nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp bị giảm theo.

“Cần có những nghiên cứu tổng thể thực tiễn vận hành thị trường xăng dầu trong giai đoạn vừa qua để hiệu chỉnh. Ngoài ra, cần có cơ quan đảm trách việc thống kê đầy đủ các dữ liệu liên quan đến kinh doanh xăng dầu ở doanh nghiệp như kho bãi, chi phí phân phối. Ngoài ra, cần có biện pháp buộc các doanh nghiệp phải giảm chi phí”- ông Hậu nói.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần công bố trần giá bán lẻ xăng dầu. Điều này vừa loại bỏ cơ chế xin cho vừa buộc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải tìm kiếm lợi nhuận không dựa vào đề nghị tăng giá mà phải dựa vào giảm chi phí sản xuất kinh doanh, dựa vào cơ chế cạnh tranh, dựa vào tăng doanh thu.

Theo Báo giấy