Mourinho dùng vô chiêu thắng hữu chiêu

Bất ngờ M.U tạo ra trong trận đấu đêm qua không chỉ nằm ở kết quả, mà chủ yếu là ở thái độ, cách chơi, bất ngờ ngay từ nhân sự lạ lẫm của đội hình xuất phát. Chiến thuật gia đại tài Conte rút cuộc đành phải chào thua vì đòn “vô chiêu thắng hữu chiêu” của Mourinho.

Có quá nhiều chỗ bất ngờ khi hiệp 1 khép lại. Đội bóng của “The Special One-point” (cách chơi chữ của dân Anh nhằm diễu cợt việc đoàn quân của HLV Jose Mourinho thường xuyên hòa) không chỉ dẫn điểm. Họ hoàn toàn xứng đáng với sự vượt trội về thời gian giữ bóng, không gian chiếm lĩnh, khả năng uy hiếp khung thành... Và họ luôn chứng tỏ nỗ lực hòng nâng cao cách biệt thay vì chủ trương bảo vệ ưu thế. Người ta có thể dự đoán M.U dẫn điểm, nhưng chắc không ai hình dung ra kịch bản ấy. Đấy chính là đặc điểm quan trọng nhất của Premier League: tính giải trí rất cao, và khi bất ngờ xuất hiện thì đấy không chỉ là bất ngờ về mặt kết quả.

Việc của Antonio Conte là rà soát lại chiến thuật và điều chỉnh cách chơi trong giờ giải lao - dĩ nhiên rồi. Nhưng khi Cesc Fabregas vào thay Victor Moses ở phút 57 thì tỷ số đã là 2-0 cho M.U! Ander Herrera ghi bàn - khi mà người ta xem anh thi đấu trước tiên chỉ là để xem anh sẽ ngăn cản Eden Hazard bằng cách nào. Ở Cúp FA, Herrera bị đuổi vì thẻ vàng thứ 2 sau một pha phạm lỗi với Hazard. Bây giờ, anh kiến tạo bàn đầu cho Marcus Rashford và tự mình tung đòn hạ gục Chelsea!

Trên lý thuyết, sơ đồ 3-4-3 của Chelsea chỉ phát huy được giá trị nếu như bộ ba hậu vệ cáng đáng được những công việc vốn dành cho hàng hậu vệ 4 người. Khi ấy, hàng công sẽ rất đáng gờm vì quân số đông và chiếm lĩnh được toàn bộ khu vực tấn công. Tiền vệ biên sẽ giữ vai trò như “chất xúc tác”. Còn trên thực tế, bạn chơi như thế nào trước tiên còn phải tùy thuộc đối phương sẽ chơi thế nào. Conte có dự trù được rằng Mourinho để cả Zlatan Ibrahimovic lẫn Henrikh Mkhitaryan ngồi ngoài, bỏ luôn Wayne Rooney hoặc Anthony Martial ra khỏi danh sách?

Xin nhắc lại: “cú bất ngờ M.U” trong trận đấu đêm qua không chỉ nằm ở kết quả, mà chủ yếu là ở thái độ, cách chơi, bất ngờ ngay từ nhân sự lạ lẫm của đội hình xuất phát. Có thể chiến thuật gia đại tài Conte rút cuộc đành phải chào thua vì đòn “vô chiêu thắng hữu chiêu” của Mourinho. Tiền vệ M.U tràn ngập khu vực giữa sân, khiến đội hình Chelsea như bị bẻ đôi, dẫn đến hậu quả là cả hàng công lẫn hàng thủ đều không còn như chính họ.

Cuối cùng thì Mourinho vẫn cứ là người... phá hỏng Chelsea, cả khi ông làm việc ở Stamford Bridge mùa trước (chỗ này dĩ nhiên chỉ là ý kiến mỉa mai và cay đắng của một bộ phận nào đó trong giới hâm mộ, khi Chelsea thất bại) lẫn lúc ông dẫn dắt M.U trong trận đấu đêm qua. Cũng chẳng phá hỏng điều gì lớn lao, ngoài chuyện làm hồi sinh cuộc đua giành ngôi vô địch giữa Chelsea và Tottenham - vốn từng có lúc tưởng như đã ngã ngũ rồi. Nhưng ít ra, Mourinho đã làm cho hình ảnh của đồng nghiệp Conte không còn trọn vẹn. Có lúc, M.U áp đảo trong mọi phương diện. Cũng có lúc M.U... không làm gì cả, chỉ để nhùng nhằng kéo theo hệ quả là chính Chelsea cũng chẳng thi thố được gì. Muốn ghi bàn thì phải sút bóng. Mà trong suốt trận, Chelsea hoàn toàn không có pha dứt điểm nào đúng hướng khung thành. Chắc chắn một điều: không ai có thể chỉ vào lỗi để bóng chạm tay trước pha bóng dẫn đến bàn mở tỷ số, để nghi ngờ tính thuyết phục trong chiến thắng này của Mourinho.

Những gì vừa được thể hiện cho thấy không phải Chelsea, mà Tottenham mới là đội bóng số 1 Premier League ngay trong lúc này - tức ngay trong giai đoạn mà trên nguyên tắc là quan trọng nhất mùa bóng. Tất nhiên, trò chơi xác suất lạnh lùng hiện vẫn cứ xếp Chelsea vào vị trí số 1 về hy vọng vô địch. Nếu không xuất hiện những kết quả “động trời” trong 6 vòng đấu còn lại, đội bóng của Conte sẽ được ghi nhận là xuất sắc nhất trong cả mùa bóng. Đấy là hai chuyện khác nhau!

Theo Theo Bongdaplus