Bấm nút… đúc đồng
Dẫn tôi đi một vòng quanh xưởng sản xuất đồ đồng mỹ nghệ thờ cúng rộng hơn 60.000 m2 của Tập đoàn Ðại Phát (DAPHA Group) đặt tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch HÐQT – Tổng giám đốc Tập đoàn Ðại Phát chia sẻ: “Trước đây nghề đúc đồng chủ yếu làm thủ công. Do đó sản phẩm không đồng nhất, không sắc sảo, và nhất là không sản xuất số lượng lớn. Vì thế, từ năm 1993, chúng tôi bắt đầu nhập máy móc, dây chuyền sản xuất bán tự động, sản xuất đồ đồng 2D. Cho đến từ giữa tháng 6/2017, chúng tôi đầu tư rô-bốt vào các khâu sử dụng sức lao động lớn, có những động tác thường xuyên lập lại nhiều lần trong quá trình sản xuất như đúc, tiện, phay, đánh bóng, sơn phủ… Chính gì vậy các sản phẩm 2D, 3D ( không gian 2 chiều, 3 chiều) và hàng 2 line (cẩn cẩm thạch và mã não)do công ty sản xuất ra, mớiđáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới”.
Gọi là xưởng đúc đồng, nhưng nơi đây không “mịt mù khói bụi” hay tiếng ồn “đinh tai nhức óc”, mà đó là những dãy phòng sạch sẽ; nhiều phòng còn có máy lạnh để rô-bốt được hoạt động, công nhân chỉ việc ngồi “bấm nút… đúc đồng”.
Không biết bao nhiêu lần rô-bốt làm hư sản phẩm, làm không đúng việc nên rô-bốt “đình công”. Hư tới đâu, mình sửa tới đó. Vừa làm, vừa học, vừa cải tiến… Cứ tập đi từng bước như thế!
Ông Nguyễn Văn Sinh
Như tại khâu đúc kẹp, đổ khuôn, những cánh tay rô-bốt vươn dài, múc từng muỗng đồng đưa vào máy, hệ thống tự động ép xuống, trong vài giây, khuôn hoàn chỉnh đưa ra ngoài. Hay ở khâu sơn, hay nhúng tương, rô-bốt còn kiểm tra, điều chỉnh sản phẩm, chỗ nào chưa đều được chỉnh sửa ngay lập tức. Một người công nhân đảm nhận hoạt động cùng một lúc từ 2-3 rô-bốt và chỉ với việc bấm nút khi sản phẩm hoàn thành.Tại khâu đánh bóng, hàng ngàn sản phẩm xếp hàng nhưng chỉ có 2 cô công nhân làm việc. Nhiệm vụ của các cô là chỉ sắp sản phẩm vào máy, bấm nút, chờ vài phút rồi lấy sản phẩm ra. Tất cả đều bóng loáng. Ðược biết, nếu trước đây công nhân làm thủ công, người nào làm giỏi lắm cũng chỉ đánh bóng được 500 ly/ngày. Từ khi áp dụng tự động hóa, sản lượng tăng lên 7.000 ly/ ngày
Ông Lê Hùng Lâm, Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất DAPHA Group bộc bạch, trước đây ai cũng nghĩ đồ đồng mỹ nghệ sẽ rất khó áp dụng công nghệ 4.0, nhưng ban giám đốc đã quyết định đưa công nghệ vào để giảm bớt lao động thủ công. “Hiện, việc sử dụng rô-bốt chiếm 80% quá trình sản xuất sản phẩm đồng mỹ nghệ. Dự kiến khoảng cuối năm nay, 100% các khâu sản xuất đều sử dụng công nghệ 4.0. Chúng tôi vẫn đang đi từng bước một, chậm nhưng chắc chắn” - ông Lâm nói.
Một điều khiến tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn những người thợ mới chỉ hôm qua thôi, còn lấm lem khói bụi vì đúc khuôn, chà bóng; mà bây giờ, họ thành thạo sử dụng những máy móc hiện đại, theo dõi màn hình vi tính để làm việc… Anh Dàng (công nhân) vui vẻ kể: “Từ ngày ứng dụng công nghệ, mình làm việc khỏe hơn, không còn lo bụi, hóa chất ảnh hưởng sức khỏe nữa”.
Khó không nản
Với những doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực hàng thủ công, thời gian đầu không hề dễ dàng. Cái khó không chỉ đến từ đòi hỏi sự đầu tư lớn vào thiết bị sản xuất và hoàn thiện dây chuyền tự động hóa, mà phải có một nguồn nhân lực đủ trình độ vận hành các giải pháp công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Sinh, chủ tịch HÐQT DAPHA Group nhớ lại, không có nước nào sáng chế ra rô-bốt dùng cho việc đúc đồng cả. Do đó, chúng tôi phải mua rô-bốt dùng trong việc hàn, rồi đem về cải tiến và chế tạo thêm một số “phụ kiện”, để rô-bốt có thể phục vụ cho từng khâu trong quy trình sản xuất đồ đồng mỹ nghệ thờ phụng của Công ty DAPHA. Không biết bao nhiêu lần rô-bốt làm hư sản phẩm, làm không đúng việc nên rô-bốt “đình công”. Hư tới đâu, mình sửa tới đó. Vừa làm, vừa học, vừa cải tiến… Cứ tập đi từng bước như thế!.
Theo số liệu mới nhất từ diễn đàn kinh tế thế giới dự báo đến năm 2020, 30% doanh thu của doanh nghiệp sẽ đến từ các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số. Doanh nghiệp nào nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số sẽ có lợi nhuận.
Ðể thích ứng với xu hướng ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, giờ đây, DAPHA không còn mở những đợt tuyển lao động ồ ạt như trước nữa. Thay vào đó là lên kế hoạch tăng cường đào tạo huấn luyện, điều phối những con người hiện có để theo kịp công nghệ mới, thậm chí có thể phục vụ cho một chiến lược mở rộng sản xuất. Và hiệu quả ban đầu được ông chủ tịch tập đoàn này chia sẻ đó, một con rô-bốt có thể thay 4-5 lao động trong một quy trình; năng suất lao động tăng; chất lượng sản phẩm ổn định hơn nhiều.
Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, có những người lao động chuyên môn sẽ tăng lên, có những người lao động có tay nghề sẽ giảm đi. Và cùng với đó, có nhiều lớp người lao động có trình độ mới sẽ xuất hiện. Do vậy, để thích ứng, người lao động cần phải sở hữu nhiều kỹ năng như quản lý, kỹ thuật số và cả những kỹ năng mềm. Việc đào tạo nguồn nhân lực cho thời chuyển đổi số là bắt buộc và cấp thiết. Doanh nghiệp Việt cũng phải thay đổi rõ nét về mục tiêu, nội dung và cách thức đào tạo để tương thích với thời đại mới.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, ông Sinh tâm sự, Việt Nam đã gia nhập vào nhiều hiệp định thương mại tự do, nên sân chơi của doanh nghiệp là sân chơi toàn cầu chứ không còn ở phạm vi hẹp trong nước nữa. Nếu doanh nghiệp nào không ứng dụng công nghệ mới sẽ dễ bị tụt hậu và đào thải. Ðiều này buộc doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư theo xu hướng chung, như vậy mới có thể cạnh tranh được.
Ðể tận dụng lợi ích của cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cần quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh càng sớm càng tốt vì đây là xu thế không thể không làm, ai làm sớm thì có lợi thế.
Hiện, sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ thờ cúng của Tập đoàn Ðại Phát không chỉ có thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn “soán ngôi” nhiều sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ Ðài Loan, Trung Quốc đồng thời xuất khẩu ngược lại sang các quốc gia này. “Một sản phẩm mỹ nghệ, kết hợp nhiều công nghệ vào một sản phẩm thì mình phải thổi hồn vào đó, và phải thật tinh tế. Chúng tôi đặt cái tâm và chữ tín vào từng sản phẩm khi đưa đến người tiêu dùng” - vị chủ tịch Tập đoàn DAPHA bộc bạch.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của tri thức nên điều kiện tiên quyết là phải có tri thức, giáo dục. Mặc dù công nghệ, máy móc hết sức tiên tiến, nhưng vai trò của con người vẫn là quan trọng nhất, bởi chính con người phải đưa ra những quyết định cuối cùng” – ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Phát khẳng định.