Cụ thể, tổ chức này đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng lên một bậc. Danh sách này bao gồm ABBank, VietcomBank, BIDV, LienVietPostBank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, và MSB.
Về chỉ tiêu rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác Việt Nam cũng có 7 ngân hàng được nâng hạng gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này cho rằng xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của các ngân hàng MSB, ABBank, LienVietPostBank và SHB có thể được cải thiện nếu nâng cấp được sức mạnh tín dụng độc lập và đánh giá tín dụng cơ bản.
Tuy nhiên, việc nâng xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank cũng được đánh giá là khó có thể xảy ra vì các ngân hàng này hiện có cùng mức xếp hạng chủ quyền Ba2 của Việt Nam.
TPBank, OCB, SeABank, VIB cũng cần phải nâng cấp nhiều bậc hơn nếu muốn nâng mức xếp hạng của mình.
Về triển vọng xếp hạng của các ngân hàng, Moody's có sự điều chỉnh từ "ổn định" sang "tích cực" đối với Agribank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank.
ABBank, LienVietPostBank, MSB là 3 ngân hàng giữ được mức triển vọng xếp hạng "ổn định". Riêng SHB vẫn được tiếp tục đánh giá tín nhiệm ở mức "tích cực".
Đáng lưu ý, Moody's cho rằng cơ quan này có thể sẽ hạ bậc xếp hạng tiền gửi của Agribank, ABBank, BIDV, LienVietPostBank, MSB, OCB, SeABank, SHB, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng suy giảm hoặc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam bị hạ.
Trước đó, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2. Trong năm 2022, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody's nâng bậc tín nhiệm.
Theo Moody's, việc nâng xếp hạng này cũng phần nào phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm. Khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài cũng được cải thiện và các chính sách cũng được đánh giá là hiệu quả hơn.
Trong khi đó, triển vọng xếp hạng của Việt Nam cũng được thay đổi từ "tích cực" sang "ổn định", phản ánh mức độ cân bằng trong các yếu tố rủi ro có thể tác động đến xếp hạng. Moody's kỳ vọng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện trong tương lai.