Máy móc

TP - Một địa phương kia, trong một tháng mà phát động đến mười mấy chương trình thi đua. Và kết quả thi đua là … không có kết quả gì cả. Dân chúng chán nản, bàn tán: “chẳng thấy học đâu, chỉ thấy tổ chức thi và thi thôi…”.

Hay ở đơn vị nọ, báo cáo lên rằng: Có 90% thành viên đã được huấn luyện một chương trình (do trên chỉ đạo). Nhưng khi xem xét lại thì chương trình huấn luyện đó được tổ chức chẳng hoàn chỉnh, “đầu voi đuôi chuột” và buồn thay khi trực tiếp hỏi các thành viên đã được huấn luyện thì chính họ cũng không nắm được ý nghĩa thiết thực của chương trình đó là gì.

Cơ quan kia, một quý có đến hàng chục cuộc đại hội. Kết quả là cán bộ chỉ lo đi khai hội mà hết cả thời giờ, đến nỗi chẳng có công việc nào được hoàn thành. Có một số công trình khoa học nghiên cứu xong được cất vào tủ để … ngắm cho oai, bởi chúng không thiết thực, không biết ứng dụng vào đâu. Không ít ông bố bà mẹ thấy con cái người ta học gì bắt con mình học nấy mà không quan tâm xem những môn học đó có phù hợp với con mình hay không.

Đó là những thí dụ điển hình của căn bệnh máy móc. Giống như một nhóm thợ trong câu chuyện: Một nhóm thợ đóng một cỗ xe ngựa rất khéo. Nhưng đóng xong rồi thì không dùng được. Vì cỗ xe to quá, đưa ra cửa phòng không lọt.  Không ít người  “khóa cửa đóng xe” kiểu đó.

Một số cán bộ hoặc do nhận thức còn hạn chế hoặc cố tình không biết có một số chương trình, công việc chẳng liên quan đến cơ quan, đơn vị mình nhưng thấy những đơn vị khác tiến hành thực hiện nên cũng bắt chước phát động làm theo, xong đâu vào đấy cả rồi thì không biết để phục vụ cái gì. Nguyên nhân của căn bệnh máy móc là do bệnh chủ quan, do muốn ra oai, do chạy theo thành tích mà ra. Hậu quả rất lớn, nó sẽ làm hỏng việc và đánh mất lòng tin ...

Lê Phạm Phương Lan
(HT: 3 CB- 36 Long Thành, Đồng Nai)