Bà Lê Nguyệt Hằng, chủ cửa hàng cây xanh Coco Green (quận Bình Tân, TPHCM) kể, nhiều lần bà đề nghị trích lương đóng BHXH cho nhân viên nhưng không ai đồng ý. Bà Hằng thường cung cấp cây xanh để bàn cho giới văn phòng nên thường thuê lao động theo giờ (25.000-30.000 đồng/giờ) để chăm sóc cây. “Tôi có khoảng 10 lao động làm việc thời vụ nên không thể ký hợp đồng chính thức. Khi đề cập việc đóng BHXH thì không ai chịu tham gia bởi số tiền trích đóng là “ký gạo, ký khô”, là cuộc sống, hằng ngày. Nếu bắt buộc tham gia, họ sẽ nghỉ việc”, bà Hằng nói.
Sau khi mất việc tại một công ty may, anh Nguyễn Văn Tâm (35 tuổi, quê Đắk Lắk) tham gia đội giao hàng công nghệ kiếm tiền gửi về quê lo cho gia đình. Mỗi ngày chạy xe từ sáng sớm đến chiều muộn, anh Tâm thu được khoảng 200.000 đồng. “Công ty không ký hợp đồng chính thức mà chỉ là bản thỏa thuận lao động. Ngày nào khỏe thì mình mở app nhận đơn hàng, lúc mệt, tắt app nghỉ. Do đó, không được đóng các chế độ BHXH nào hết”, anh Tâm nói.
Tuy nhiên, bản thân anh Tâm cũng không muốn tham gia BHXH bởi ảnh hưởng đến khoản tiền gửi về quê. “Nếu mình tự đóng BHXH, mỗi tháng cũng tầm 1 triệu đồng; trong khi thu nhập chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, trong đó phần lớn gửi về quê, còn lại ăn uống, chi phí nhà trọ… Có tháng còn thất nghiệp, không biết lấy gì đóng BHXH, áp lực càng nhiều thêm”, anh Tâm chia sẻ.
Theo ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, cần nâng cao nhận thức của người lao động phi chính thức; khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với người lao động và để người lao động ý thức được vị thế của mình. Tăng cường giám sát thực hiện việc đóng BHXH tại cơ sở, doanh nghiệp; có chế tài xử lý mạnh hơn về việc trốn đóng BHXH. Giải pháp căn cơ là phải tăng cường đào tạo nâng cao tay nghề, để người lao động tham gia thị trường lao động bền vững.
Lọt lưới an sinh
Tại tọa đàm “Hiến kế mở rộng diện bao phủ BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức” vừa diễn ra tại TPHCM, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Bình Tân TPHCM, cho hay, đây là địa phương có đông công nhân, người lao động nhất thành phố. Quận có 3 khu công nghiệp lớn là Tân Tạo, Vĩnh Lộc và Tân Bình mở rộng, đặc biệt là Công ty TNHH PouYuen Việt Nam với hơn 40.000 lao động. “Tốc độ công nghiệp hóa nhanh đã tạo việc làm cho rất nhiều người lao động thu hút nhiều lao động từ các tỉnh thành về cư trú trên địa bàn quận. Do số lượng lao động rất lớn nên lao động tự do, phi chính thức cũng nhiều”, bà Diệu nhìn nhận.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, hiện nay cả nước có gần 18 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng bảo BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào. Điều này dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” một phần không nhỏ người lao động.
Ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay rất thấp. Tính đến tháng 5, lao động bắt buộc tham gia BHXH khoảng 2,5 triệu người, trong khi số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ 31.000 người. “Trong khi chỉ tiêu BHXH Việt Nam phát triển BHXH tự nguyện tại TPHCM là 61.000 người, nhưng đã đến giữa năm 2023 chỉ mới đạt 31.000 người. Con số rất thấp”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, lý do khiến nhiều lao động khu vực phi chính thức không mặn mà với BHXH tự nguyện là thời gian đóng BHXH kéo dài, sau khi đóng đủ năm phải chờ đến đủ tuổi để được nhận lương hưu. Bên cạnh đó, để có thể tham gia BHXH tự nguyện, lao động phải có nguồn tài chính vừa đủ đảm bảo nhu cầu sống vừa phải dư một khoản để đóng BHXH. Nhiều người cũng không nhận thức được tầm quan trọng khi tham gia BHXH tự nguyện. Điều này khiến lao động khu vực phi chính thức chưa mặn mà với BHXH.