Kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972-2017)

Kỳ 2: Tài trí quân báo trinh sát Phòng không - Không quân

TPO - Góp phần lập nên kỳ tích của quân dân miền Bắc nói chung, Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) nói riêng trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm lịch sử là những đóng góp thầm lặng của các lực lượng quân báo trinh sát Quân chủng PK-KQ.

Nói về hoạt động trinh sát nắm địch trong Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12/1972, Đại tá Nguyễn Văn Lượng, Trưởng phòng Quân báo, Quân chủng PK-KQ cho biết, ngay từ những ngày đầu của năm 1972, khi đế quốc Mỹ leo thang trở lại đánh phá miền Bắc, cơ quan Quân báo Quân chủng đã chủ động đề xuất thành lập tổ công tác xuống các đơn vị chiến đấu để trực tiếp nghiên cứu tính chất, quy luật hoạt động, các đường bay vào đánh phá mục tiêu của máy bay Mỹ, tham gia thẩm vấn, hỏi cung các phi công Mỹ bị ta bắt trong những lần tập kích ra miền Bắc trước đó.

Qua đó, ta đã có được những thông số kỹ thuật, chiến thuật cơ bản về siêu pháo đài bay B-52, cũng như ý đồ sử dụng B-52 tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng để đưa ra những nhận định tương đối chính xác về thời điểm, căn cứ xuất phát, mục tiêu đánh phá của các máy bay ném bom chiến lược của địch.

Từ những nguồn thông tin do trên cung cấp, kết hợp với triệu chứng, dấu hiệu hoạt động của địch, trong chiều ngày 18/12/1972, lực lượng Quân báo Quân chủng đã báo cáo với Trực chỉ huy Quân chủng về khả năng và dự kiến thời gian Mỹ tập kích B-52 vào Hà Nội. Đến khoảng 18 giờ thì tin tức tình báo đó đã được khẳng định khi các thông tin báo cáo với Thủ trưởng Bộ tư lệnh trùng khớp với thực tế trinh sát phát hiện mục tiêu của các đại đội rađa đang mở máy trực ban. Lệnh chuyển cấp báo động phòng không được phát đi. Tất cả các lực lượng của Quân chủng, lực lượng phòng không nhân dân Hà Nội, Hải Phòng được lệnh chuyển cấp bắt đầu bước vào chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử, đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng siêu pháo đài bay B-52 của đế quốc Mỹ.

Trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lượng, những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam, không quân Mỹ rất coi trọng và đề cao chiến tranh điện tử; trong đó, trinh sát điện tử và gây nhiễu là biện pháp kỹ thuật, chiến thuật hàng đầu của chúng. Địch đã sử dụng hệ thống gây nhiễu mạnh cả trong và ngoài đội hình, trên nhiều dải tần số khác nhau làm cho tất cả các loại rađa cảnh giới, cao xạ, đài điều khiển hỏa lực tên lửa của ta đều bị nhiễu nặng, gây rất nhiều khó khăn trong phát hiện máy bay địch. 

Trước yêu cầu của cuộc chiến đấu, ngày 2/5/1967, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Phùng Thế Tài ký quyết định thành lập “Đội Trinh sát nhiễu” trực thuộc Bộ Tham mưu Quân chủng - tiền thân của lực lượng Trinh sát Kỹ thuật vô tuyến điện của Quân chủng hiện nay.

Bằng phương pháp thống kê tỉ mỉ, khoa học, lực lượng trinh sát nhiễu đã xử lý rất công phu để rút ra những dấu hiệu cho thấy có máy bay B-52 vào đánh và khả năng đánh vào hướng nào. Qua nhiều lần nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm và kiểm chứng qua thực tế ta đã có thể biết trước được khoảng 10 đến 15 phút thời điểm máy bay B-52 vào ném bom.

Từ những kết quả nghiên cứu phân tích giải mã nhiễu của máy bay địch do Đội Nhiễu thu thập tổng hợp, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã chỉ đạo, tổ chức tập huấn rút kinh về cách xác định B-52 trong nhiễu và cách đánh B-52 từ tháng 8/1972. Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã đưa ra các biện pháp chống nhiễu về mặt chiến thuật, xạ kích, thao tác và cải tiến kỹ thuật để chống nhiễu như: Cải tiến kỹ thuật nâng cao tính năng cho bộ khí tài tên lửa; cải tiến kỹ thuật dùng rađa K8-60 phục vụ cho tên lửa xác định toạ độ mục tiêu để chống nhiễu và chống tên lửa Shrike (tên lửa chống rađa)…

Trong chiến dịch 12 ngày đêm từ 18 - 29/12/1972, Không quân Mỹ đã sử dụng tối đa chiến tranh điện tử để phục vụ cho B-52 đánh vào các mục tiêu của ta tại Hà Nội, Hải Phòng. Âm mưu của địch nhằm tạo thành một hệ thống nhiễu tổng hợp để che lấp mục tiêu B-52 trên nền hiện sóng của rađa tên lửa, làm cho tên lửa không bắt được mục tiêu B-52.

Rađa cảnh giới, dẫn đường phát huy hiệu quả


Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, với sự giúp đỡ chí tình của các cơ quan, đơn vị bạn và nhân dân, đặc biệt là sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ; lực lượng trinh sát rađa không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, thường xuyên hoàn thành và hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

Căn cứ vào đặc điểm địa hình của miền Bắc, trong quá trình bố trí, sử dụng mạng trinh sát rađa, ta đã thực hiện tập trung lực lượng và phương tiện có trọng điểm, kết hợp giữa tuyến và cụm trên hướng chủ yếu, khu vực yếu địa thực hiện tuyến ngoài, tuyến giữa vững chắc, tuyến trong chặt chẽ, tạo thành trường rađa có chính diện rộng, tung thâm sâu, độ tin cậy ngày càng cao, bảo đảm rađa cho nhiệm vụ tác chiến phòng không bảo vệ các yếu địa chiến lược của đất nước, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng. 

Các đại đội rađa làm nhiệm vụ cảnh giới, dẫn đường kiêm cảnh giới được bố trí tạo thành mạng rađa ở tuyến trong có lực lượng mạnh, được bố trí thành cụm tạo thành trường rađa khép kín vùng trời khu vực Hà Nội, Hải Phòng từ độ cao giới hạn dưới là 500m, độ cao giới hạn trên là 20km, có độ trùng lặp cánh sóng lớn và độ tin cậy cao, kết hợp chặt chẽ với hệ thống vọng quan sát mắt quanh Hà Nội, Hải Phòng đã tích cực bảo đảm rađa cho tác chiến phòng không đánh bại các đợt đánh lớn của không quân Mỹ ra miền Bắc.

Với những kinh nghiệm trận mạc dày dặn trên các chiến trường, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích cùng kíp trắc thủ của Đại đội Rađa 45 trong phiên trực ban của mình đã phát hiện và khẳng định chắc chắn tín hiệu máy bay B-52 đang hướng vào Hà Nội, cùng với tình báo rađa của Đại đội 16, tình báo về B-52 nhanh chóng được truyền lên sở chỉ huy cấp trên, giúp cho chỉ huy Quân chủng có nhận định, đánh giá chính xác và quyết định cho các lực lượng tên lửa phòng không chuyển cấp kịp thời, bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 Mỹ, mở màn chiến dịch đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B-52 của Không quân Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.

Trinh sát mắt, trinh sát quang học

Đại tá Nguyễn Văn Lượng khẳng định: Quán triệt sâu sắc quan điểm “Kết hợp giữa hiện đại với thô sơ, con người với kỹ thuật, giữa máy và mắt”, trong quá trình xây dựng và phát triển của Bộ đội PK-KQ nói chung, lực lượng Quân báo - Trinh sát thường xuyên chú trọng xây dựng hệ thống quan sát mắt. Vì đây là lực lượng hết sức quan trọng để bổ sung tình báo cho các khu mù của trường rađa và ở tuyến ngoài, trên các đường bay cơ bản, cả ngày lẫn đêm, nhất là tình báo máy bay bay thấp về phần tử số lượng, kiểu loại và độ cao của mục tiêu.

Hệ thống quan sát mắt trong những năm Mỹ đánh phá miền Bắc (1967-1972) được bố trí thành 5 cụm (trạm chuyển tiếp) với 25 vọng quan sát mắt. Ngoài ra, hệ thống quan sát mắt trên mỗi đại đội rađa đều có vọng quan sát mắt để bổ sung tình báo cho khu mù đỉnh đầu đài rađa của đơn vị.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 (1972) và đỉnh cao là chiến dịch phòng không 12 ngày đêm, do tăng cường lực lượng ra tuyến trước, lực lượng vọng quan sát mắt bên ngoài vĩ tuyến 20 thu gọn lại, chủ yếu bố trí thành tuyến ở ven biển, một số điểm cao ở Tây Bắc để án ngữ các đường bay địch từ Thái Lan sang và xung quanh Hà Nội, Hải Phòng. Các vọng quan sát này vẫn phát huy được tác dụng, nhất là bổ trợ tình báo về hoạt động của B-52, F-111A, góp phần bảo đảm cho chiến dịch phòng không giành thắng lợi.

"Tuy kỹ thuật chiến tranh điện tử của ta còn hạn chế, song bằng sự thông minh sáng tạo, cùng với việc chủ động bố trí đội hình chiến đấu, điều chỉnh thế trận linh hoạt cho các lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng nên ta đã hóa giải được mặt mạnh của kỹ thuật nhiễu điện tử tổng hợp của địch. Như vậy, thủ đoạn chiến thuật kết hợp với kỹ thuật gây nhiễu tổng hợp bảo vệ B-52 của địch không còn nữa. Cường độ nhiễu đã bị phân tán. Hầu hết các đơn vị tên lửa đã bắt được mục tiêu trên nền nhiễu tạp ở cự ly 40km, phổ biến là từ 24 ÷ 26km. Các đơn vị tên lửa bố trí đội hình chiến đấu đánh bọc lót cho nhau, góp phần quan trọng đánh tan âm mưu của địch, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”.

Đại tá Nguyễn Văn Lượng