Kiểm toán những dự án dân sinh
Theo chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 30/5, Bộ trưởng Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 trước Quốc hội. Sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn sẽ trình Quốc hội báo cáo kiểm toán quyết toán về ngân sách nhà nước năm 2022.
Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), từ khi thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 đã tạo được sự chuyển biến quan trọng, từng bước nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính. Tuy nhiên, quá trình quản lý, điều hành NSNN của các địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Trong nhiều năm qua, lĩnh vực kiểm toán ngân sách địa phương đã có nhiều phát hiện, bên cạnh các kiến nghị tăng thu, giảm chi cho ngân sách, KTNN cũng có nhiều kiến nghị nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách tại các địa phương, bịt lỗ hổng trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Liên quan đến cơ chế, chính sách tài chính đặc thù ở các địa phương, KTNN đã kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 về việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; bên cạnh đó là Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi…
Cơ quan KTNN cũng đã phối hợp với Hà Nội thực hiện những nội dung mới, khó, còn vướng mắc, những vấn đề nổi cộm chưa có trong thực tiễn trước đây. Điển hình như triển khai kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành nhà máy nước mặt Sông Đuống; Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội…
Đặc biệt, thành phố cũng đề xuất KTNN đẩy mạnh thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề đối với những nhiệm vụ mới, những dự án liên quan đến đời sống dân sinh, như cấp nước, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường, vận tải hành khách công cộng… Kết luận kiểm toán sẽ làm cơ sở để thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của pháp luật.
Đáng lưu ý, trong năm 2023, lần đầu tiên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN. Thông qua phiên giải trình đã làm rõ “bức tranh” về thực trạng tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán thời gian qua.
Xử lý các tin báo, đơn thư khiếu nại về tham nhũng
Cơ quan kiểm toán cũng cho biết, trong khoảng 5 năm gần đây, bình quân kết quả thực hiện kiến nghị tài chính của các đơn vị đạt trên 90%.
Trong đó, tỉnh Bình Định thực hiện đầy đủ kiến nghị của KTNN với tỷ lệ cao, như năm 2020 thực hiện được 98% và 2021 thực hiện được 96% kiến nghị kiểm toán.
Hay tại Đà Nẵng, Thành ủy đã đưa việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN thành một nội dung để Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tiêu cực của Thành ủy theo dõi, chỉ đạo định kỳ.
Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, thời gian tới, công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố tập trung vào việc xây dựng và thông qua dự toán ngân sách hàng năm sát và đúng.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch kiểm toán với phương châm “gọn nhưng chất”, nâng cao chất lượng kiểm toán, hướng tới mục tiêu kiểm toán 100% báo cáo quyết toán ngân sách…
Đặc biệt, ông Tuấn cho biết, KTNN sẽ ban hành hướng dẫn các đơn vị trong ngành đưa ra các kết luận, kiến nghị phù hợp đối với những tình huống đặc biệt; đồng thời hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt kết luận, kiến nghị kiểm toán.
“KTNN và các địa phương cần phối hợp trong việc xử lý các tin báo, đơn thư khiếu nại về trường hợp tham nhũng”, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, nhấn mạnh.