Có thể nói, Valentine’s Day, Ngày Valetine hay Ngày lễ Tình nhân, là ngày được các cặp tình nhân mong đợi nhất trong năm, bởi đây là khoảng thời gian thế giới tôn vinh tình yêu, tình cảm đôi lứa và cả tình bạn. Lễ Tình nhân chính thức diễn ra vào ngày 14/2 ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Nguồn gốc ra đời
Có nhiều phiên bản khác nhau về nguồn gốc ra đời của Ngày lễ Tình nhân.
Truyền thuyết đầu tiên là câu chuyện xảy ra vào năm 269 sau Công nguyên. Ở một xứ sở xa xôi, có một vị hoàng đế độc tài muốn ngăn cấm nam nữ yêu nhau. Nhưng dù ông ta có ngăn cấm bằng mọi cách thì vẫn có một linh mục có họ là Valentine tác hợp cho những người yêu nhau đến được với nhau. Nhà vua đã ra lệnh giết vị linh mục này để răn đe mọi người. Ngày ra pháp trường, vị linh mục để lại vài dòng ngắn ngủi gửi cho cô gái ông yêu, nói rằng ông cảm ơn cô về tình bạn, tình yêu mà cô đã dành cho ông. Phía dưới ông ký tên "From your Valentine". Thông điệp này được viết vào ngày 14/2. Cũng từ đây, ngày 14/2 được các đôi yêu nhau gọi ngày này là ngày Vanletine để nói lên chân lý "tình yêu là bất tử", không gì có thể ngăn cách được tình yêu.
Truyền thuyết thứ hai là tại La Mã, vào năm 270, có một vị Giám mục tên là Valentino di Interamna, là bạn của Hoàng đế Claudius II. Dưới sự trị vì của Hoàng đế Claudius II, La Mã tham gia nhiều cuộc chiến đẫm máu và không được dân ủng hộ. Claudius Bạo Tàn gặp phải khó khăn khi kêu gọi các chàng trai trẻ gia nhập vào đội chiến binh của ông ta. Claudius cho rằng nguyên nhân chính là đàn ông La Mã không muốn rời xa gia đình hay người yêu của họ. Do đó, Claudius hủy bỏ tất cả các đám cưới hoặc lễ đính hôn ở La Mã. Chính giám mục Valentino đã cùng Thánh Marius đã giúp đỡ những người yêu nhau bí mật cưới nhau. Vì hành động nhân ái này, Thánh Valentino bị bắt giam, kéo lê trước mặt quận trưởng La Mã và bị ném đá cho đến chết rồi sau đó bị chặt đầu vào ngày 14/2/270 sau công nguyên.
Người đầu tiên gửi đi thiệp Valentine
Người đầu tiên gửi đi thiệp Valentine là một người đàn ông Pháp có tên là Charles, Bá tước xứ Orleans - bị cầm tù suốt 25 năm tại Tháp London sau trận chiến Agincourt vào năm 1415. Trong thời gian này, ông gửi cho vợ mình một bài thơ tình Valentine thể hiện tình yêu và nỗi nhớ nhung. Đáng tiếc, vợ ông đã qua đời trước khi lá thư đến tay bà.
Biểu tượng của Ngày Valentine
Thần Cupid (Khát vọng), một vị thần tình yêu của người La Mã, được chọn là biểu tượng của Ngày Valentine. Trong truyện thần thoại, Cupid là con của thần Venus và Mars. Đầu tiên, Cupid có hình tượng là một chàng trai trẻ cầm cung và mũi tên. Cặp đôi nào trúng tên của thần Cupid sẽ yêu nhau tha thiết. Ngày nay, Cupid là một cậu bé đáng yêu có hoặc không mặc đồ. Sự thay đổi này bắt nguồn từ việc người ta muốn Valentine's Day không chỉ dành cho các đôi đang yêu nhau mà còn cho cả phụ nữ và trẻ em.
Hình ảnh trái tim truyền thống trong ngày Valentine
Ngoài thần Cupid, trái tim màu đỏ cũng là biểu tượng khác của Valentine và tình yêu. Màu đỏ khiến chúng ta liên tưởng đến máu. Mà trái tim, nơi có chức năng bơm máu đi nuôi sống cơ thể, là bộ phận thể hiện tình yêu mãnh liệt nhất.
Tuy nhiên, hình ảnh trái tim như ta thường thấy ngày nay lại được mô phỏng từ hạt siphium, một loại cây được sử dụng với mục đích tránh thai tự nhiên từ thời cổ đại.
Tại sao tặng sô cô la trong Ngày Valentine?
Sô cô la trở thành quà tặng trong Ngày Valentine bắt đầu từ năm 1902. Một trong những slogan được dập nổi trên những miếng chocolate là "Be Mine" (Hãy là của anh/em). Nếm một miếng chocolate bạn sẽ cảm nhận được đầy đủ các vị chát đắng, ngọt bùi... Cũng giống như khi bạn nếm trải tình yêu có khi ngọt ngào, có lúc đắng chát, mang đến cho con người sự thích thú khi được trải nghiệm nó.
Sô cô la là sự hòa quyện giữa cảm xúc, sự lãng mạn và tình yêu. Người Aztec tin rằng socola có nguồn cội từ tâm linh thuần khiết, từ nguồn năng lượng siêu nhiên, mãnh lực khêu gợi và cám dỗ.
Món quà Valentine điển hình qua các thời kỳ
Vào nửa cuối thế kỷ 20, món quà Valentine điển hình là những đóa hồng, thiệp và chocolate được gói bằng lụa satin đỏ trong những chiếc hộp hình trái tim. Tuy nhiên đến thập niên 1980, kim cương đã được ngành công nghiệp kim cương quảng bá như một thứ quà tặng thích hợp, đáng giá cho ngày ngọt ngào này.
Ý nghĩa hoa hồng trong Ngày lễ Tình nhân
Tương truyền, hoa hồng đỏ được coi là hoa thánh dành cho Thần Vệ Nữ, nữ thần Sắc đẹp. Theo đó, Nữ thần Tình yêu được sinh ra với một đóa hồng màu trắng. Vì đau khồ trước cái chết của người chồng yêu thương, nữ thần đã vô tình để gai của hoa hồng đâm vào tay, máu nhỏ xuống nhuốm đỏ màu trắng của hoa hồng. Từ đó hoa hồng đỏ trở thành biểu tượng của tình yêu. Ngày nay, hoa hồng đỏ vẫn được người đời hiểu rằng đó là thông điệp “Anh yêu em” (Em yêu anh).
Không chỉ có một ngày Valentine
Valentine Đỏ: Ngày Valentine 14/2 truyền thống còn được gọi là Valentine Đỏ. Đây là dịp để những người yêu nhau bày tỏ tình cảm của mình với nửa còn lại.
Valentine Trắng: còn được biết đến với những cái tên như White Valentine, White Day, diễn ra sau Valentine đúng một tháng, vào ngày 14/3. Ngày Valentine trắng bắt nguồn từ đất nước Nhật Bản. Người dân xứ sở hoa anh đào quan niệm, Valentine Đỏ là ngày dành cho các cô gái muốn bày tỏ tình cảm với chàng trai mà họ yêu thương, còn các chàng trai sẽ đáp trả tình cảm đó vào Valentine Trắng.
Valentine Đen: là ngày dành cho những người độc thân vào 14/4 hàng năm. Valetine Đen có nguồn gốc từ Hàn Quốc. Đây được coi là ngày để những người cô đơn tụ họp với nhau trong một ngôi nhà nào đấy, họ ăn vận đồ đen, cùng nhau ăn món mì Jachang truyền thống (món mì với nước sốt đậu đen) và chia sẻ với nhau sự thiếu may mắn trong tình cảm.