Khaisilk kinh doanh 'treo đầu dê bán thịt chó': Đừng bất tín

TP - Việc khăn lụa mang thương hiệu nổi tiếng Khaisilk bị nhiều khách hàng tố có tới 2 nhãn mác, một là “Made in China” và một là “Made in Vietnam” và việc Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khải Silk lên tiếng thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc đã dội thẳng gáo nước lạnh vào niềm tin của người tiêu dùng Việt.
Khaisilk bán đồ gian dối khiến người tiêu dùng bất bình

Dù ông Khải vin cớ việc phải nhập lụa Trung Quốc để bán lẫn với lụa Việt Nam là do xuất phát vào giữa những năm 90, Khaisilk không tìm đủ nguồn hàng trong nước và đây không phải là sản phẩm kém chất lượng mà luôn được duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập… xét đến cùng, đây chỉ là sự nguỵ biện!

Từ lâu, khăn lụa Khải Silk đã trở thành niềm tự hào hàng Việt Nam chất lượng cao. Nó hấp dẫn đến mức rất nhiều người Việt hễ ra nước ngoài hay đón tiếp người thân, bạn bè ngoại quốc tới, đều muốn ít nhất một lần mua tặng món này như một loại quà xa xỉ nhỏ thể hiện sự trân quý.

Cũng không ngoa khi nói rằng: khăn lụa Khải Silk nhờ thấm đẫm tình yêu của người Việt mà đã được nâng niu đi khắp năm châu bốn bể, vinh dự có mặt trong quà tặng của các doanh nhân, chính trị gia, khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam.

Một ngày sau sự thừa nhận và “cúi đầu xin lỗi” của ông Hoàng Khải đi kèm lời khẳng định: “Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình”, cộng đồng mạng vẫn không nguôi dậy sóng.

Tại nhiều trang báo và đặc biệt trên Facebook cá nhân, người ta tiếp tục tố, bóc mẽ nguồn gốc món khăn này khi tải hình ảnh chiếc khăn có mác Made in Vietnam của thương hiệu Khaisilk, nhưng có một vết cắt mác nhỏ màu trắng còn sót lại trên viền khăn.

Thậm chí, có cô nhân viên cũ còn kể trên trang cá nhân rằng, việc này đã được làm 20 năm có lẻ. Khác chăng ngày xưa việc cắt mác Tàu dán mác Việt được làm cẩn thận, kỹ càng, không để lại vết và ẩu như bây giờ.

Chiều 26/10, Cục Quản lý thị trường phối hợp cảnh sát PC46, PC49 Công an Hà Nội kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai, bước đầu cho thấy có dấu hiệu gian lận thương mại, giả nguồn gốc, xuất xứ. Kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng đã thu giữ 52 mặt hàng với tổng trị giá trên 30 triệu đồng có dấu hiệu vi phạm, giả nguồn gốc. Liên tục mấy ngày kiểm tra trước tại TPHCM, vi phạm khăn có hai mác hoặc còn vết mác bị cắt cũng diễn ra.

Về hướng giải quyết, ông chủ Khaisilk khẳng định sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ từ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả và sẽ bồi thường cho khách hàng. Ông Khải cho rằng, đây sẽ là mất mát đau đớn, thương hiệu và uy tín mà ông dày công gây dựng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việc Khaisilk phải bồi thường khách hàng nếu họ muốn (như đổi trả hoàn tiền) là điều chắc chắn. Nhưng thiệt hại về vật chất chỉ là nhỏ so với những gì vị doanh nhân “sang chảnh” này đang đánh mất.

Đó chính là sự bất tín, phản bội lại niềm tin yêu mà bấy lâu nhiều người đã dành cho thương hiệu Khaisilk. Chợt nhớ đến những lần ông Khải từng lên báo nói hay vẫn viết trên trang cá nhân răn dạy về đạo đức doanh nhân, về niềm tự hào của hàng Việt chất lượng cao. Tấm gương sáng về khởi nghiệp trong cộng đồng startup Việt ít nhiều đang rạn?