Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đại diện Ban lãnh đạo BIDV, BSL, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan báo chí.
Tại Hội thảo, các diễn giả trình bày nhiều tham luận về nhận định: Tình hình kinh tế Việt Nam năm 2018, bức tranh thị trường tài chính ngân hàng, đặc biệt là nhu cầu vốn trung dài hạn trên thị trường, cấu trúc vốn của doanh nghiệp, vai trò của sản phẩm cho thuê tài chính; Thực tiễn sản phẩm cho thuê tài chính tại Nhật Bản và các sản phẩm tài trợ nhập khẩu hỗ trợ doanh nghiệp.
Thuê tài chính là một trong những phương thức huy động vốn trung-dài hạn của doanh nghiệp, theo đó, Bên cho thuê - các công ty cho thuê tài chính - cấp tín dụng trung và dài hạn cho Bên thuê - cá nhân, doanh nghiệp thông qua việc cho thuê tài sản trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính. Theo thống kê, tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu hằng năm lên tới trên 1.000 tỷ USD, riêng tại Nhật Bản, doanh số cho thuê tài chính hằng năm cũng vào khoảng 50 tỷ USD. Trong khi đó tại Việt Nam, nơi mà hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính đã tương đối phát triển, thì cho thuê tài chính vẫn là một thị trường nhỏ bé, với dư nợ toàn thị trường đến hết Quý 2/2018 chỉ ở mức 8.600 tỷ đồng.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng GDP hơn 6,5% giai đoạn 2018-2020. Thực tế này tạo nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải đường bộ phục vụ đầu tư phát triển. Thuê tài chính sẽ là một giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản tiếp cận vốn.
Ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc BSL đã phân tích vai trò, lợi ích của thuê tài chính trong việc huy động huy động nguồn lực của doanh nghiệp cho sự phát triển bền vững. Đại diện BSL nhấn mạnh: Thuê tài chính là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả, giải đáp được các bài toán về cân đối dòng tiền, tái cấu trúc nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích cho doanh nghiệp.
Chuyên gia từ một trong hai ngân hàng mẹ của BSL - SuMi TRUST –ông Fujita Takeshi – Phó Tổng Giám đốc BSL - cũng có phần giới thiệu về thực tiễn sử dụng sản phẩm thuê tài chính, lợi ích của việc sử dụng thuê tài chính dưới góc nhìn của doanh nghiệp Nhật bản và vai trò của thị trường thuê tài chính đối với sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế Nhật Bản. Theo ông Fujita Takeshi, hiện nay khoảng 90,5% doanh nghiệp tại Nhật Bản đang sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính. Nhật Bản hiện có hơn 240 công ty cho thuê tài chính, trong đó có 11 công ty chiếm trên 50% thị phần. Các công ty tài chính thuộc các ngân hàng giữ vai trò trọng tâm. Ông Fujita khẳng định với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường cho thuê tài chính Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng cao. Ông Fujita cho biết, sẽ cùng BSL thiết kế những sản phẩm/mô hình cho thuê tài chính phù hợp với nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp.
Tháng 9/2017 tại Hà Nội nằm trong chuỗi sự kiện khai trương Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – SuMi TRUST (BSL), BSL cũng đã tổ chức hội thảo với nội dung tương tự, thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp phía Bắc tham gia.
Tại Việt Nam, nơi mà hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính đã tương đối phát triển, thì cho thuê tài chính vẫn là một thị trường nhỏ bé, với dư nợ toàn thị trường đến hết Quý 2/2018 chỉ ở mức 8.600 tỷ đồng.
Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV-SuMi TRUST (BSL) là Công ty Cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình liên doanh giữa một Ngân hàng thương mại hàng đầu trong nước (BIDV) với một định chế tài chính nước ngoài (Ngân hàng tín thác Sumitomo Mitsui Trust Bank (SuMi TRUST) – Ngân hàng tín thác lớn nhất Nhật Bản. Với sự hỗ trợ của BIDV và SuMi TRUST về kinh nghiệm, bí quyết công nghệ, nguồn vốn, cơ sở khách hàng, hệ thống mạng lưới rộng khắp, BSL đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm cho thuê tài chính cạnh tranh, hấp dẫn, thuận tiện.