Đây là một tình trạng bệnh lý đòi hỏi phải xử lý cấp cứu vì nó có thể đe doạ tính mạng bệnh nhi trước mặt hoặc để lại những di chứng nặng nề về sau như động kinh, chậm phát triển tâm trí và vận động đặc biệt là những trường hợp sốt cao co giật kéo dài.
Nguyên nhân: Có rất nhiều nhưng hai nguyên nhân thường gặp nhất là sốt cao co giật do nhiễm khuẩn (đặc biệt là nhiễm virus đường hô hấp trên) và yếu tố tiền sử gia đình về sốt cao co giật.
Triệu chứng lâm sàng: Có hai thể sốt cao co giật đó là sốt cao co giật lành tính và sốt cao co giật có biến chứng. Tuy nhiên để chuẩn đoán một cách chính xác phải khám bệnh cho trẻ thật kĩ càng đặc biệt là khám thần kinh, nếu có điều kiện thì làm điện não đồ ngay sau cơn co giật và một tuần sau giật để đánh giá.
Điều trị:
Xử lý sốt cao co giật tại gia đình trong khi chờ xe cấp cứu hoặc bác sĩ đến:
- Bình tĩnh đặt trẻ vào nơi yên tĩnh, thoáng mát, rời xa các vật sắc nhọn, đặt chăn hoặc gối mềm dưới đầu trẻ, để trẻ ở tư thế đầu nghiêng về một bên đề phòng tắc đờm dãi vì trong lúc giật trẻ thường tiết nhiều đờm, dãi. Lưu ý kiểm tra xem trẻ còn thở không, da có tím không.
- Nới rộng quần áo, tã lót cho trẻ.
- Hạ sốt bằng cách chườm mát cho trẻ, lưu ý không được dùng nước đá để chườm vì nếu lấy nước đá chườm sẽ gây co mạch mạnh ngoài da, hạn chế quá trình tỏa nhiệt của trẻ làm trẻ sốt cao hơn. Tốt nhất là dùng khăn sạch dấp vào nước mát (nhiệt độ khoảng 300C) rồi chườm ở trán, nách và bẹn.
Nên dùng thuốc hạ sốt Paracetamol loại viên đạn đặt hậu môn, nhớ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng.
Theo dõi nhiệt độ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc ở hậu môn, trẻ sốt khi nhiệt độ nách từ 380C trở lên còn ở hậu môn là >3708.
- Không còn giới hạn cử động của trẻ (không giữ, bế chặt) không cho trẻ ăn, uống bất cứ thứ gì kể cả thuốc hạ sốt Paracetamol (Efferalgan) trong khi trẻ còn co giật hoặc chưa tỉnh hẳn. Bởi vì khi trẻ còn đang giật nếu cho ăn, uống rất dễ sặc, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mặt khác khi trẻ bị giật thường giật mạnh, người lớn ôm, giữ chặt trẻ sẽ gây chấn thương cho trẻ, hơn nữa trong lúc giật nhiều trẻ nghiến chặt răng có thể cắn vào lưỡi, nhiều gia đình đã lấy các vật cứng để vào miệng trẻ có thể gây gẫy răng đứa trẻ.
Trong trường hợp trẻ nghiến răng vào lưỡi có thể dùng khăn mềm, sạch quần lại thành hình trụ dài, khéo léo đặt vào giữa hai hàm răng trẻ. Làm như vậy có hai cái lợi, thứ nhất ngăn cho răng trẻ không cắn vào lưỡi mà không gây chấn thương, thứ hai khăn có tác dụng thấm bớt đờm dãi do trẻ tiết ra khi co giật.
- Gọi xe cấp cứu hoặc bác sĩ đến càng sớm càng tốt.
Điều trị tại bệnh viện:
Cắt cơn giật bằng Diazepam tiêm tĩnh mạch chậm hoặc đặt hậu môn sau đó nếu còn sốt cao cho uống Gardenal hoặc Depakin. Hạ sốt bằng chườm mát và Paracetamol.
Điều trị dự phòng co giật:
Nguy cơ tái phát sốt cao co giật ở trẻ khá cao cho nên biện pháp quan trọng là giữ làm sao để trẻ không bị sốt nhất là sốt do viêm đường hô hấp, do đó cần vệ sinh cho trẻ hằng ngày, không để trẻ bị lạnh, tiêm vacxin phòng một số bệnh đường hô hấp.
Khi thấy trẻ chớm sốt cần hạ sốt bằng chườm mát và Paracetamol. Người ta có thể ngừa cơn giật nặng tái phát bằng Gardenal hoặc Depakin, chỉ định dùng thuốc liên tục khi trẻ dưới một tuổi phát triển tâm thần vận động hoặc có cơn co giật kéo dài trên 15 phút hoặc có liệt vận động sau cơn việc điều trị dự phòng phải kéo dài liên tục ít nhất đến khi trẻ 4 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Thế Anh