Ngày 21/9, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết, khoa Ngoại Tổng hợp của bệnh viện vừa tiếp nhận một bé gái 10 tuổi nhập viện vì đau bụng âm ỉ kèm theo một khối bất thường tại vùng thượng vị có thể cảm nhận được qua kiểm tra lâm sàng.
Bệnh nhi được thăm khám, khảo sát hình ảnh học và lên lịch mổ với chẩn đoán Trichobezoar (thể kết của tóc) trong dạ dày hay còn gọi là Hội chứng “công chúa tóc mây”. Ngay sau đó, trẻ được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi, thành công lấy búi tóc lớn trong dạ dày và tá tràng. Sau mổ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, có thể ăn uống qua đường miệng và đang tiếp nhận, hỗ trợ điều trị tâm lý.
Hội chứng “Công chúa tóc mây” còn có tên gọi khác là hội chứng Rapunzel là cô gái có mái tóc dài vàng óng ả trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng của anh em nhà Grimm năm 1812. Hội chứng được bắt nguồn từ hành vi bứt tóc và ăn tóc của các bé gái (đa số là trẻ dưới 16 tuổi). Đây là tình trạng rối loạn tâm thần, trong đó đối tượng cảm thấy rất cần phải nhổ tóc, ăn tóc của mình dẫn đến biến chứng tóc tích tụ thành búi tạo ra một đuôi tóc dài nằm dọc theo bên trong lòng dạ dày, ruột non nguy cơ gây tắc nghẽn đường ruột.
Trên thực tế các bác sĩ còn ghi nhận, ngoài ăn tóc, trẻ bị Hội chứng “Công chúa tóc mây” còn có thể ăn sợi dây thun, bông vải từ khăn, túi nilon… là những thứ không thể tiêu hóa, dẫn đến tích tụ thành búi trong dạ dày hoặc ruột non.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi năm tiếp nhận khoảng 20 đến 30 trường hợp bệnh tương tự như trên. Hầu hết các bé sau khi được phẫu thuật đều phải được theo dõi điều trị tâm lý lâu dài. Một số trường hợp phải phẫu thuật lấy “búi tóc” trong dạ dày lần 2 do trẻ tiếp tục ăn tóc vì không điều trị tâm lý sau xuất viện.
Để tránh nguy cơ trẻ bị tắc ruột do ăn tóc, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh trong quá trình chăm sóc trẻ cần lưu ý những biểu hiện lạ như sở thích “thèm ăn tóc” hoặc các vật thể khác. Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời tránh dẫn đến những biến chứng đáng tiếc. Ngoài ra, quý phụ huynh và gia đình phải luôn đồng hành cùng trẻ trong suốt quá trình tiếp nhận điều trị tâm lý sau can thiệp để nâng đỡ tinh thần cho con và hạn chế hành vi ăn tóc tái diễn.