Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế mới. Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang được nhiều các doanh nghiệp hướng tới và triển khai. 

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, cần hoàn thiện khung pháp lý cũng như cơ chế, chính sách cho sự phát triển của kinh tế tuần hoàn (KTTH) ? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xin chào TS. Trần Thị Hồng Minh!

PV: Thưa Bà, từ thực tiễn nghiên cứu, Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của mô hình KTTH ở Việt Nam hiện nay?

Có thể nói, tại Việt Nam hiện chưa có những mô hình KTTH đầy đủ đúng nghĩa, nhưng thực tế đã có một số mô hình gần với KTTH xét theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ. Mô hình KTTH trong nông nghiệp có thể coi là tương đối khép kín, gần sát nhất với các định nghĩa về KTTH. Tuy nhiên, khác với mô hình KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình KTTH trong lĩnh vực công nghiệp hiện nay mới chỉ đạt đến mức độ tuần hoàn một phần trong một quy trình sản xuất hoặc một bộ phận của sản phẩm. Gần đây đã có tín hiệu cho thấy sự chủ động áp dụng KTTH ở một số doanh nghiệp, từ khâu thiết kế sản phẩm đã tính đến thiết kế chất thải để khi thải bỏ dễ dàng được áp dụng vào những quy trình sản xuất khác. Ví dụ như các mô hình sản xuất nông nghiệp, năng lượng...vv Quan trọng hơn, thảo luận của chúng tôi cho thấy không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư đang rất quan tâm đến mô hình KTTH và mong chờ những chuyển biến chính sách phù hợp để tiếp sức cho họ thực hiện đầu tư.

PV: Rõ ràng, sự phát triển của KTTH ở Việt Nam hiện nay là hiện hữu. Vậy, theo Bà, đâu là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mô hình KTTH ở Việt Nam hiện nay?

Trước đây, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng đã hướng nhiều về phát triển xanh và bền vững. Mới đây nhất, ngày 07/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Quyết định 687/QĐ-TTg đã thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển KTTH ở Việt Nam, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo cũng như góp phần vào việc thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Theo đó, bên cạnh việc kiến nghị các bước tuần tự về nâng cao nhận thức và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực liên quan, Quyết định số 687/QĐ-TTg cũng đề ra nhiệm vụ khẩn trương xây dựng Nghị định về cơ chế thí điểm phát triển kinh tế tuần hoàn, qua đó tạo không gian cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư nhằm sớm phát triển KTTH trong các lĩnh vực được lựa chọn thí điểm.

Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xây dựng ở một thời điểm rất quan trọng. Việt Nam và nhiều quốc gia, đối tác phải cân nhắc những định hướng, yêu cầu chính sách nhằm bảo đảm phát triển bền vững hơn. Cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 chính là một nền tảng bước đầu.

PV: Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng mô hình KTTH vào sản xuất hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, theo Bà, khó khăn, thách thức đó là gì, Bà có thể giúp chúng tôi làm rõ?

Thứ nhất, khung khổ thể chế cho phát triển KTTH chưa hoàn thiện, chưa có bộ tiêu chí chung để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của KTTH. Ở một khía cạnh khác, Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu cần thiết trong quá trình sản xuất, tiêu thụ của vòng đời sản phẩm. Hạn chế này khiến việc đánh giá trình độ và mức độ sẵn sàng trong phát triển KTTH ở các ngành, lĩnh vực và địa phương còn khó khăn.

Thứ hai, nhận thức về KTTH và sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình KTTH còn hạn chế. Những nhận thức đúng về KTTH cần được thực hiện từ khâu thiết kế tới khâu triển khai đối với từng ngành, từng lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp và người dân, và cần được sự đồng thuận, thống nhất từ lãnh đạo, các cấp quản lý vẫn là một thách thức. Đặc biệt, KTTH đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây cũng là thách thức lớn đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân. Trong khi đó, công tác truyền thông giúp nâng cao hiểu biết về KTTH vẫn còn hạn chế.

Thứ ba, nguồn nhân lực sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi sang phát triển KTTH còn yếu. KTTH phải gắn với đổi mới khoa học, công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến, thiết kế mô hình. Đồng thời, phát triển KTTH đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giỏi, có thể giải quyết được các vấn đề từ khâu đầu đến khâu cuối của cả quá trình. Hiện nay, nguồn cung cấp và chất lượng đào tạo những chuyên gia này chưa đạt yêu cầu.

Thứ tư, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), rất hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng, chưa nói đến năng lực đóng góp vào phục hồi các nguồn tài nguyên. Người dân và doanh nghiệp còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm gây ô nhiễm môi trường do giá thành tương đối rẻ hơn và ý thức chưa cao.

PV: Vậy, Bà có đề xuất, kiến nghị gì trong việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách cho sự phát triển của KTTH trong thời gian tới, thưa Bà?

Như đã đề cập, KTTH là chìa khóa giải quyết vấn đề tăng trưởng nhanh và bền vững. KTTH giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà không đánh đổi chất lượng môi trường, mang lại rất nhiều lợi ích cho các nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày một cạn kiệt. KTTH cũng là con đường hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, giúp các quốc gia, trong đó có Việt Nam đạt được các cam kết COP26 về giảm phát thải khí nhà kính mà không phải hi sinh các lợi ích về kinh tế.

Chúng ta đều muốn có chính sách mới, tốt, áp dụng trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, chính sách tốt đòi hỏi phải xây dựng trên cơ sở khoa học, có số liệu, đánh giá bài bản. Với những mô hình kinh tế mới như KTTH, những đánh giá, số liệu như vậy hầu như là không thể. Để tránh được vòng luẩn quẩn giữa thiếu số liệu và thiếu chính sách tốt, Trong thời gian tới đây Việt Nam cần khẩn trương xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm cho các mô hình KTTH. Trên cơ sở cơ chế thử nghiệm minh chứng những lợi ích sớm của KTTH về bảo vệ môi trường, thúc đẩy ĐMST, tăng năng suất lao động,… chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi mô hình KTTH.

Tiếp đó, cần khắc phục những thách thức đã kể trên, trong đó, cần chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi sang nền KTTH, đồng thời, Bản thân các doanh nghiệp khi triển khai mô hình KTTH cũng cần phải có những lưu ý về tính hệ thống, tính logic, có phương án sản xuất kinh doanh hết sức hợp lý để tận dụng được tối đa các nguồn lực của bản thân doanh nghiệp mình cũng như kết hợp được với các nguồn lực từ các doanh nghiệp khác để đạt được mục tiêu.

Xin cảm ơn Bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!