Trong vài tuần vừa qua, người dân sống tại TP.HCM, các vùng lân cận và Hà Nội lo lắng về việc nho Trung Quốc có dư lượng chất bảo vệ thực vật cao gấp 3 lần cho phép.
Loại nho này có giá nhập vào chỉ 6.000 đồng/kg, trước khi bị kênh nhiều lần giá và bán đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, không chỉ bị phun thuốc cao gấp nhiều lần ngưỡng an toàn cho phép trước khi nhập vào Việt Nam, có chỉ dấu cho thấy rằng người bán hàng sử dụng chất hoá học để bảo quản gây hại cho người dùng.
“Nho mình để quên trong tủ lạnh 3 tháng, lúc mở ra thấy nó vẫn… tươi rói, mà đã có mấy lần tủ nhà mình bị ngắt điện để lấy ổ sạc laptop cho bạn, khi bạn sang chơi”, anh Đức Trung (Ngõ 850 Chùa Láng – Hà Nội) chia sẻ.
Anh Trung quê ở Hải Phòng và đang ở Hà Nội cùng một người bạn trong một căn nhà thuê tại Hà Nội, do cả hai đều là con trai nên ít quan tâm đến chuyện mua sắm và đồ đạc trong tủ lạnh nên chùm nho mới được để trong ngăn đựng rau, quả lâu đến như vậy. Chùm nho này do mẹ của bạn anh mua tại Cầu Giấy, khi từ Hải Phòng lên Hà Nội thăm con trai.
Không chỉ có nho, người dân còn phản ánh về các loại hoa quả khác như lê, táo, mận cũng để cả tháng trời mà không hề hỏng, bề ngoài vẫn tươi rói. Chị Triệu Giang (sinh viên Đại học Mở) cho biết, gần đây chị mua táo về thắp hương và để quên một quả ở góc khuất trên bàn thờ hơn một tháng liền mà táo vẫn tươi, bóng mặc dù thời tiết rất nóng.
Chuyên viên của cửa hàng trái cây nhập khẩu ở Láng Hạ - Hà Nội cho biết, trái cây nhập được bảo quản đúng cách thì theo đúng chế độ phải giữ trong môi trường lạnh. Riêng nho là mặt hàng rất "nhạy cảm" với nhiệt độ, vì là trái cây tươi nên tốt nhất là ăn ngay trong ngày để đảm bảo sự tươi ngon, nho chỉ có thể sử dụng từ 1-3 ngày.
Bảo quản bằng cách để trong ngăn tủ mát, bọc trong túi đục lỗ ( túi nho nguyên bản), tránh để chung với các thực phẩm sống chưa qua chế biến khác, ăn đến đâu rửa trực tiếp dưới vòi nước sạch đến đó, ăn không cần bóc vỏ. Trong thời gian chưa dùng đến, chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng nho héo, rụng cuống, những quả rụng sẽ bị móp đầu và dẫn đến thối.
Riêng táo là loại sống khoẻ do công nghệ bảo quản táo từ khi hái (nếu tuân theo đúng tiêu chuẩn) như rút khí, đưa táo vào chế độ ngủ, bôi sáp ong... với nhiệt độ từ 0-3 độ, táo giữ được độ ngon trong khoảng 7-10 ngày, sau đó độ ngọt sẽ dần tăng lên và độ giòn sẽ giảm đi. Tuy có sức sống lâu như vậy, nhưng để mà nói Táo có thể bỏ tủ từ 1 - 2 tháng mà vẫn bóng, giòn là điều quá bất thường.
TS Nguyễn Văn Hoà - Viện phó Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) cho biết, vẫn có nhiều loại thuốc bảo quản được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng, nhưng vì “hiệu quả cao và giá rẻ” người dân vẫn sử dụng thuốc cấm để bảo quản hoa quả như thuốc chống nấm, thuốc diệt cỏ.
Theo ông Hoà, một điều ngạc nhiên khác là trong khi người Việt nhập trái cây Trung Quốc giá rẻ về sử dụng thì Trung Quốc lại là quốc gia nhập nhiều nhất trái cây của nước ta. Hoa quả Việt Nam cũng xuất hiện trên nhiều thị trường kĩ tính như Mỹ, Nhật, trong đó nhiều loại mang tính chất đặc sản như cam sành, thanh long...
Theo một chuyên gia khác, việc sử dụng chất bảo quản cấm không phải là hiếm thấy, nhưng khó nhận biết bằng mắt thường mà vẫn phải xét nghiệm để lấy kết quả chính xác. “Tuy nhiên, việc xét nghiệm mất 3 – 5 triệu đồng/mẫu nên việc này là khó khăn do vấn đề kinh phí”.
Hoá chất mua dễ như mua rau
Trong TP.HCM, chợ hoá chất nổi tiếng là Kim Biên luôn sẵn các loại chất bảo quản giá rẻ, không nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, một người bán hoa quả đã giải nghệ cho hay, “chợ chất bảo quản” của Hà Nội thì có thể đến khu vực Hàng Buồm, hay chợ Ngọc Hà - gần với trụ sở của Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, không cần đến mức phải lặn lội lên khu Hàng Buồm, nhiều người bán hoa quả vẫn có thể dễ dàng mua các loại hoá chất chống nấm như Antracol với giá xấp xỉ 200.000 đồng/kg tại các cửa hàng bán hoá chất phục vụ cho nông nghiệp và tuỳ nghi sử dụng đối với các loại hoa quả sau thu hoạch.
Ngoài ra, những chất có chứa hoạt chất gây tranh cãi như Carbendazim (theo chuẩn từng khu vực, từng quốc gia, có nơi cấm, có nơi không) có thể được mua dễ dàng, và việc "ứng dụng" những loại chất này như thế nào đang là việc gây bàn cãi. Một người trong ngành Bảo vệ thực vật thừa nhận, trước đây đã phát hiện có trường hợp hoặc người nông dân, hoặc người buôn hoa quả ứng dụng bằng cách... bôi trực tiếp lên trái cây.
Đáng sợ hơn, có những người bán hàng vô lương tâm có “công thức riêng” trong việc bảo quản chất hoa quả, họ không ngại nâng cao hàm lượng độc chất trong các loại thuốc phun, hay ngâm để kéo dài thời gian tươi của trái cây, mặc kệ tính mạng của người dùng.
“Có những loại hoa quả như táo, lê… để hàng tháng trời cũng không hỏng, mặc kệ để trong tủ lạnh hay không tủ lạnh, thậm chí bổ ra kiến còn không dám bâu”, chị Nguyễn Lệ Ngọc (Từ Liêm – Hà Nội) chia sẻ.
Hiện, kinh nghiệm của chị đối với các loại thực phẩm ăn sống là trích ra một chút rồi quan sát xem kiến có bâu hay không, nếu để cả ngày mà không con kiến nào thèm động vào thì chị kiên quyết phải loại bỏ đồ ăn đó, do nghi có chất bảo quản độc hại.
Mặc dù Bộ NN&PTNT đã ban hành thông tư số 39 quy định chặt chẽ về danh mục vật thể thuộc diện kiểm định thực vật trước khi vào Việt Nam, trong đó quả tươi. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 27-9 tới.
Bản thân ông Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thừa nhận với báo giới, thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây, rau quả nhập khẩu vào Việt Nam đúng là có nhiều vấn đề. Mới nhất là 3 mẫu nho, và cả khoai tây đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp 3-5 lần.
"Thời gian tới đây Việt Nam sẽ có nhiều biện pháp để ngăn chặn các loại nông sản độc ngay từ biên giới trước khi được nhập khẩu vào nước ta", ông Trung khẳng định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kiểm soát chất lượng hoa quả trong nước hoặc hoa quả nhập sau khi đã qua khỏi cửa khẩu và được bầy bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ là việc vô cùng khó hiện nay..
Theo VTCNews